Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023: Thành công, dù không được như kỳ vọng

Nhiều chỉ số phát triển kinh tế được Chính phủ đặt ra hồi đầu năm đã không đạt được. Tuy nhiên, năm 2023 là một năm rất khó khăn của thế giới, việc Việt Nam đạt mức tăng trưởng dự báo là 5% đã là rất thành công.

Kinh tế Việt Nam 2023 - Vượt cơn gió ngược

Năm 2023, kinh tế thế giới suy yếu, biến động khó lường, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, tất cả đã tạo nên những tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đối diện với thách thức như thế nào, vượt bão ra sao?... Nhà báo & Công luận sẽ đi tìm câu trả lời trong chuyên đề “Kinh tế Việt Nam 2023 - Vượt cơn gió ngược”.

Theo dự báo của Chính phủ và nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế, GDP Việt Nam năm 2023 được dự báo là tăng 5%, thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra hồi đầu năm 2023 là tăng 6 - 6,5%. Nhiều chỉ số tăng trưởng kinh tế khác cũng không đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Liên quan tới vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Chỉ số tăng trưởng GDP trong năm 2023, Việt Nam đã không đạt được. Tuy nhiên, năm 2023 là một năm rất khó khăn của thế giới, việc chúng ta đạt mức tăng trưởng được dự báo là 5% đã là rất thành công.

 Việc chúng ta đạt mức tăng trưởng được dự báo là 5% đã là rất thành công.

Việc chúng ta đạt mức tăng trưởng được dự báo là 5% đã là rất thành công.

+ Dự báo, GDP của Việt Nam trong năm 2023 tăng trưởng khoảng 5%, như vậy, nếu so với mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm nay là 6 - 6,5%, rõ ràng mục tiêu này đã không đạt được. Vậy, ông có đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

- Đúng là năm 2023, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chúng ta không đạt được. Không chỉ tăng trưởng GDP, mà các chỉ số khác như năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người, hay chỉ số sản xuất công nghiệp,... chúng ta cũng không thực hiện như mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, ngay cả các “siêu cường” kinh tế của thế giới cũng phải chật vật để duy trì tính ổn định của nền kinh tế, thì mức tăng trưởng 5% của Việt Nam được coi là thành công và đáng ghi nhận. Thậm chí, mức tăng trưởng này được coi là “nổi trội” nếu so với các quốc gia trong khu vực.

Nếu xét về nhiều khía cạnh, có thể thấy Việt Nam đã rất thành công trong việc điều hành kinh tế, giữ cho nền kinh tế ổn định.

Về kinh tế vĩ mô, hiện nay, nhiều quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nợ công. Một số quốc gia như Anh, Ý, thậm chí là Mỹ - “siêu cường” kinh tế số 1 toàn cầu cũng từng có thời điểm đứng trước bờ vực vỡ nợ trong năm nay. Ngược lại, nợ công của Việt Nam lại có xu hướng giảm.

Có thể, hồi đầu năm nay, một số “lùm xùm” liên quan tới nợ trái phiếu của các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản khiến nhiều người lo ngại sự đổ vỡ dây chuyền của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chính phủ đã rất khéo léo khi ban hành Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào đầu tháng 3/2023. Trong Nghị định này, Chính phủ đã đưa ra một số quy định cho phép doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính có thể gia hạn trái phiếu.

Nghị định 08 tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023 và năm 2024.

Rõ ràng, kể từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định này cho tới nay, những “lùm xùm” trước đây đã được giải quyết, rõ ràng đây là sự thành công cần được ghi nhận.

Về các chính sách tiền tệ, nhiều quốc gia trong năm 2023 đã tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, đẩy lãi suất lên rất cao. Trong khi đó, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đây là chính sách rất hợp lý, tạo ra những yếu tố then chốt để doanh nghiệp phục hồi.

Tiếp đến là lạm phát, trong khi nhiều quốc gia đối mặt với “bão” lạm phát, đơn cử trong tháng 8/2023, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát của Mỹ tăng 3,7%.

Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2023 của Lào tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; Philippines tăng 5,3%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 9/2023 tăng 3,66% so với tháng 9/2022.

Dựa theo những phân tích trên, một lần nữa tôi cho rằng, trong bối cảnh thế giới khó khăn, việc chúng ta đạt mức tăng trưởng như vậy là rất thành công.

 GS.TS Hoàng Văn Cường.

GS.TS Hoàng Văn Cường.

+ Một số ý kiến cho rằng, một số chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế được áp dụng trong năm 2023 chưa phát huy được hiệu quả, hoặc đạt hiệu quả rất thấp. Ông có đánh giá thế nào về tính hiệu quả của các chương trình này?

- Tôi không đồng ý với ý kiến này. Thông qua các điều hành kinh tế năm nay, tôi thấy Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi doanh nghiệp khá mạnh mẽ.

Như việc nợ trái phiếu, nếu Chính phủ không ban hành Nghị định 08 kịp thời, có thể nhiều Tập đoàn bất động sản lớn sẽ phá sản, thậm chí có thể tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đối với khối ngân hàng.

Trong năm 2023, có thể coi là năm rất khó khăn của thị trường bất động sản. Thế nhưng, Chính phủ đã liên tục đưa ra các chính sách mạnh mẽ nhằm giúp thị trường phục hồi. Rõ ràng, những khó khăn chúng ta đã và đang xử lý.

Về các chính sách tiền tệ, tài khóa trong chương trình phục hồi kinh tế, nếu không có các chính sách này, liệu kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 5% như dự báo không?

Với những yếu tố tác động bất lợi từ bên ngoài, các chính sách phục hồi kinh tế có thể không đạt được như kỳ vọng, nhưng chúng có tính cộng hưởng và đã giúp kinh tế từng bước phục hồi.

+ Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó quyết định mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 là 6 - 6,5%, bằng mục tiêu năm 2023. Theo ông, việc Quốc hội đặt mục tiêu như trên liệu có cao và liệu kịch bản sẽ giống năm 2023, khi đặt ra mục tiêu nhưng không đạt được?

- Tôi cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn. Các yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023 như bất ổn chính trị ở nhiều nơi, chiến tranh, lạm phát,... chưa có dấu hiệu ngừng lại vào năm 2024. Thậm chí, các nghiên cứu chỉ ra rằng, xu hướng khó khăn có thể mở rộng hơn nữa. Đơn cử như Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm 2023, EU còn tăng trưởng âm.

Đây đều là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam. Vì vậy, những tín hiệu có phần tiêu cực như trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6 - 6,5% Quốc hội đặt ra không phải là không khả thi, nếu chúng ta biết cách khơi thông nội lực.

Với 100 triệu dân, thị trường nội địa của Việt Nam không phải là nhỏ. Do đó, để tạo ra sự tăng trưởng, chúng ta cần kích cầu thị trường trong nước, khai thác tốt nội lực để tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác chúng ta thực hiện tốt trong năm 2023, nhưng cần tốt hơn nữa trong năm 2024 để đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5%, đó là đầu tư công.

Việc đẩy mạnh vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cả phát triển một số mặt. Cụ thể, đầu tư công đúng mực sẽ giúp tạo ra công việc mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động.

Đặc biệt, đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó cung cấp các điều kiện cơ bản để hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh doanh.

Vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực thực hiện những yếu tố “nằm trong tầm tay” này để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Hoàng Bích (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2023-thanh-cong-du-khong-duoc-nhu-ky-vong-post278506.html