Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, đầu tàu TP.HCM phải tìm cách tháo gỡ
6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và TP.HCM đang hồi phục dù phải chịu tác động từ những khó khăn, nguy cơ bất ổn của kinh tế toàn cầu và những thách thức từ bên trong (vốn, thị trường tiêu thụ, chính sách) tác động đến sức khỏe của doanh nghiệp.
Thoát khỏi tình trạng tăng trưởng đang chậm lại
Tăng trưởng kinh tế quý 2 của TP.HCM ở mức 6,31%, thấp nhất so với các thành phố trực thuộc trung ương và khu vực. Thành phố đưa ra nhiều giải pháp, quyết tâm để thoát khỏi nguy cơ tăng trưởng chậm lại.
6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) đạt 567.648,7 tỷ đồng, tăng 6,46% so với cùng kỳ. Thương mại dịch vụ vẫn là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất 4,34 điểm phần trăm, đồng thời có mức tăng trưởng cao nhất 7,26%.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, dù mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của TP khá cao nhưng những quý còn lại của năm phải tăng cao hơn nữa, thậm chí quý 4 phải tăng 8%, thì tốc độ tăng trưởng cả năm mới đạt từ 7,5- 8% như kỳ vọng.
Muốn vậy, các ngành, các địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, thậm chí là rà soát và tháo gỡ hàng tuần: "Cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền phải tập trung cho các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng. Vướng mắc ở đầu tư, kể cả đầu tư công và đầu tư tư là phải tháo gỡ ngay. Thành lập tổ chuyên trách để tháo gỡ ngay khi có phát sinh và mỗi tuần đều phải rà soát lại."
Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý 2 của TP.HCM đạt 6,31% nhưng ở mức thấp nhất so với các thành phố trực thuộc trung ương và khu vực.
TS. Trần Du Lịch cho biết, bức tranh tăng trưởng quý 2 của TP.HCM chậm so với trung bình cả nước. Nhưng trong quý 2, TP làm khá tốt việc thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, du lịch, tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ tăng cao hơn bình quân của cả nước… Cái TP.HCM thiếu là các dự án đi vào thực tiễn để kích tổng cầu. Tổng đầu tư xã hội 6 tháng qua chỉ tăng 2,6%. Vướng hiện nay là hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư công, song đầu tư tư nhân còn vướng nhiều hơn. Cho nên, trong quý 3 phải khắc phục bằng cách tập trung tháo gỡ khó khăn cho tổng đầu tư xã hội, thực hiện chương trình nhà ở, các chương trình trọng điểm, công trình trọng điểm... Phải thực hiện các giải pháp để nền kinh tế hấp thụ vốn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
"Vướng hiện nay về vấn đề hấp thụ vốn thì TP rà soát hàng tuần để tháo gỡ. Nhưng theo tôi việc này giao cho 1 Phó chủ tịch UBND phụ trách cũng khó thực hiện, quyết định. Nên chăng thay vai trò cá nhân bằng tập thể, hàng tuần cùng ngồi lại, rà soát bao nhiêu dự án đang nghẽn, bao nhiêu cái đang chờ mà vướng điểm này điểm kia thì tập thể cùng gỡ. Gỡ được, dòng vốn chảy được, gỡ tổng đầu tư xã hội và lúc đó thúc đẩy tăng trưởng," TS. Trần Du Lịch nói.
Cần nhiều giải pháp cho tăng trưởng
Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm biên độ lợi nhuận và dự báo thời gian tới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khó khăn của tình hình thế giới, nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm. Công tác giải ngân chậm, thị trường bất động sản có phục hồi nhưng chưa đủ mạnh để góp phần vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng hiện thấp (chỉ bằng 1/2 so với những năm trước dịch)
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, TP nhìn rõ những điểm mạnh và điểm hạn chế trong tăng trưởng để có giải pháp cụ thể. Tuy tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại nhưng vẫn có những điểm tích cực là: tín dụng tiếp tục tăng trưởng; TP kiểm soát lạm phát tốt hơn cả nước- 6 tháng đầu năm ở mức 3,26%; thu ngân sách tốt- tăng 18%, thêm 33.824 doanh nghiệp tham gia thị trường (22.462 doanh nghiệp rút khỏi thị trường)…
Ông Hoàng đề nghị: "Phải xác định tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính. TP tiếp tục thực hiện các chương trình: bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, du lịch…Đồng thời thực hiện chi ngân sách đảm bảo theo dự toán, không để dồn vào cuối năm; thúc đẩy đầu tư công, tìm và mở rộng thị trường mới để tăng xuất khẩu."
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, việc thu hút các dự án FDI cũng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái và chậm triển khai, nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, công nghiệp 6 tháng qua vẫn đạt 4,5 tỷ USD- tăng 17%. Tình hình chung là thị trường thế giới còn nhiều khó khăn, đà tăng trưởng của doanh nghiệp chậm lại, có doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận đầu tư hơn một năm nhưng triển khai sản xuất còn cầm chừng…
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết, Ban thường xuyên gặp gỡ và làm việc trực tiếp để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp: "Ban Quản lý có mời các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp lớn với quy mô đầu tư trên 100 triệu USD làm việc để hỗ trợ. Các doanh nghiệp cũng nên một số dự án quy mô lớn cũng đang khó về một số thủ tục pháp lý liên quan thực hiện dự án, về thị trường chung của thế giới liên quan đến sản phẩm sản xuất."
Trong tình hình phát triển kinh tế- xã hội chung của TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp hiện đã phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, cước phí vận chuyển tăng, 34% lượng hàng tồn kho, thiếu thị trường…nên khả năng hấp thụ vốn yếu. Cụ thể, khảo sát cho thấy 50% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới, 29% khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 64% doanh nghiệp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm…
Từ đó, Hiệp hội Doanh nghiệp có nhiều kiến nghị như: ngành ngân hàng xem xét cho ân hạn nợ, giữ lãi suất cho vay như hiện nay và cho vay thế chấp bằng lô hàng như trước đây, để có thêm điều kiện sản xuất và tìm thị trường. Thành phố nên nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế và các hoạt động gắn kết khác để tìm kiếm và mở rộng thị trường... Bởi vì cuối cùng thì "sức khỏe" của doanh nghiệp là một trong những yếu tố góp phần đáng kể vào tăng trưởng của TP.HCM trong những tháng còn lại của năm.