Tăng tốc chuyển đổi số, chuẩn hóa quy trình, thủ tục vì doanh nghiệp, người dân

Khi bộ máy tinh gọn đi vào vận hành, doanh nghiệp và giới chuyên gia kỳ vọng chính quyền địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình thủ tục trên nền tảng số. Đồng thời, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bảo đảm bộ máy vận hành hiệu quả, thông suốt, tạo môi trường minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:
Thị trường bất động sản hưởng lợi từ bộ máy tinh gọn

Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản rất vui mừng khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức vận hành ở 34 tỉnh, thành phố của cả nước.

Mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giúp giảm đầu mối trung gian, giảm thủ tục, đặc biệt là sát dân và gần dân hơn - nhờ đó, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được chính quyền nắm bắt nhanh, giải quyết kịp thời hơn.

Đặc biệt, việc mở rộng không gian đô thị, phát triển hạ tầng, hình thành các trung tâm hành chính mới, gia tăng quỹ đất dành cho công nghiệp... cũng là chất xúc tác tích cực với thị trường bất động sản.

Ngay từ ngày 1/7, người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sẽ được thụ hưởng loạt cải cách cụ thể. Ví dụ, thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ được chuyển giao về cho Sở Xây dựng. Hoặc, thay vì tách bạch thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư như trước đây, nay chỉ còn một thủ tục duy nhất: “Cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản”, do UBND cấp tỉnh toàn quyền xem xét, quyết định.

Khi bộ máy tinh gọn đã chính thức vận hành, doanh nghiệp mong muốn các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng quy trình giải quyết thủ tục một cửa, công khai, minh bạch trên nền tảng số. Các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án... cần được chuẩn hóa, thống nhất giữa các địa phương. Cùng với đó, các địa phương cần khẩn trương kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy hành chính phù hợp với mô hình mới, bảo đảm vận hành thông suốt, không gây gián đoạn hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Bà ĐẶNG THỊ HUYỀN ANH, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng:
Lấy chuyển đổi số làm "xương sống"

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vận hành từ ngày 1/7/2025 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cải cách hành chính. Bỏ cấp trung gian sẽ giúp mệnh lệnh hành chính từ tỉnh xuống xã được thông suốt, nhanh chóng, khắc phục độ trễ. Đồng thời giải quyết được tình trạng manh mún, phân tán nguồn lực, tạo ra không gian phát triển rộng lớn, thống nhất hơn. Sau tinh gọn, khoảng 2/3 nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển xuống xã, trao quyền tự chủ cho cấp xã - nơi gần dân nhất - theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Cùng với đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh giúp tạo ra các vùng kinh tế có quy mô đủ lớn, có khả năng thu hút đầu tư và điều phối chính sách hiệu quả hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để tích hợp quy hoạch công nghiệp, hạ tầng, logistics và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và ổn định hành chính trong việc tạo môi trường đầu tư minh bạch. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với thủ tục tinh giản, bộ máy ổn định sẽ là nền tảng thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghiệp chế biến sâu. Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng xác định rõ yêu cầu tinh gọn tổ chức và tăng cường phân quyền là tiền đề để chuyển đổi số toàn diện. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, giảm thời gian và chi phí xã hội.

Thời gian tới, cần nhanh chóng ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành, nhằm tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và nhất quán cho mô hình mới, tránh gây ra khoảng trống pháp lý. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2025 đã xác lập nguyên tắc phân định rõ ràng, đồng bộ thẩm quyền giữa cấp tỉnh và cấp xã. Nguyên tắc này cần được cụ thể hóa trong các Nghị định hướng dẫn, làm rõ nhiệm vụ thuộc thẩm quyền từng cấp và các nhiệm vụ ủy quyền. Phân cấp cũng phải gắn với bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân sự tương ứng.

Chú trọng công tác điều chỉnh quy hoạch đồng bộ, Chính phủ cần có cơ chế linh hoạt trong thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn chuyển tiếp (các quy hoạch giai đoạn 2021- 2030); đơn giản hóa các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cần thiết, đặc biệt là các dự án hạ tầng kết nối.

Đặc biệt, phải lấy chuyển đổi số làm xương sống! Mô hình chính quyền địa phương hai cấp chỉ hiệu quả khi có một nền tảng chính quyền số mạnh mẽ, kết nối thông suốt từ tỉnh đến xã, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Ông CAO TRÍ DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng:
Thúc đẩy mạnh mẽ các tuyến du lịch liên vùng

Đối với ngành du lịch, mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ tạo ra những tác động rõ rệt thông qua việc phân cấp quản lý một cách linh hoạt và rành mạch hơn. Cấp tỉnh sẽ tập trung vào hoạch định chiến lược phát triển du lịch tổng thể, kêu gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch trong và ngoài nước. Trong khi đó, cấp xã, phường sẽ có điều kiện tiếp cận thực tiễn, quản lý sát sao hơn hoạt động kinh doanh du lịch; đồng thời tham gia bảo vệ tài nguyên du lịch và xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh.

Việc xóa bỏ ranh giới hành chính tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến du lịch liên vùng, hình thành thương hiệu vùng thay vì phát triển đơn lẻ, đồng thời thúc đẩy liên kết tour tuyến và phát triển hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Khi quyền lực được phân bổ một cách rõ ràng, người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ dễ dàng giám sát, phản hồi và góp ý với chính quyền cấp gần mình hơn như phường, xã; từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp. Để phát huy hiệu quả mô hình này trong phát triển du lịch, cần tăng cường phối hợp liên cấp trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch du lịch. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu của mô hình mới. Bên cạnh đó, phải thiết lập cơ chế giám sát, tiếp nhận phản hồi từ doanh nghiệp và người dân để kịp thời cải thiện chất lượng dịch vụ và công tác quản lý.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc tích hợp dữ liệu du lịch, ứng dụng công nghệ số, thực tế ảo và các nền tảng trực tuyến sẽ trở thành yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động truyền thông và marketing du lịch trong giai đoạn mới.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-toc-chuyen-doi-so-chuan-hoa-quy-trinh-thu-tuc-vi-doanh-nghiep-nguoi-dan-10378772.html