Tăng phạt có giải quyết tận gốc vi phạm?

Việc tăng mức xử phạt có hợp lý, có khả thi hay không, phải xem xét nhiều yếu tố, như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và hiệu lực hiệu quả của việc sửa đổi này.

Về lý thì Hà Nội hoàn toàn có quyền tăng mức xử phạt hành chính để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đạt được mục tiêu trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông đường bộ.

Việc tăng mức xử phạt nếu vượt quá khả năng nộp phạt của người tham gia giao thông cũng có thể gây ra những hệ lụy (ảnh minh họa).

Việc tăng mức xử phạt nếu vượt quá khả năng nộp phạt của người tham gia giao thông cũng có thể gây ra những hệ lụy (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, thành phố cần cân nhắc thời điểm tăng mức xử phạt cũng như tính khả thi của quy định mới, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.

Việc tăng mức xử phạt có hợp lý, có khả thi hay không, phải xem xét nhiều yếu tố, như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và hiệu lực hiệu quả của việc sửa đổi này.

Nói cách khác, đứng trước mỗi vấn đề thực tiễn đặt ra, việc đưa ra giải pháp để giải quyết là cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp đó có khả thi hay không, đã nghiên cứu kỹ lưỡng tác động xã hội hay chưa lại là câu chuyện khác. Liệu có ai dám đảm bảo rằng tiếp tục tăng mức phạt nữa thì Hà Nội sẽ hết ùn tắc, giảm tai nạn không?

Cần cân nhắc khi tăng mức xử phạt, chỉ tăng mức xử phạt đối với những hành vi có tính chất là vi phạm rõ ràng, vi phạm nhiều lần lỗi cố ý và mức xử phạt hiện tại không đủ sức răn đe.

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ là chuyện hết sức bình thường thời gian qua. Lý do tăng là vì mức xử phạt cũ không đủ sức răn đe, không đạt hiệu quả khi điều kiện kinh tế xã hội đã thay đổi.

Ở đây có thể hiểu Hà Nội muốn đi đầu, tiên phong trong việc nâng mức xử phạt và Luật Thủ đô cũng cho phép thành phố làm điều này với cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, Nghị định 168 Chính phủ mới ban hành đã quy định nhiều mức xử phạt nghiêm khắc, nếu địa phương vẫn điều chỉnh văn bản đặc thù để tiếp tục tăng mức xử phạt thì đó có thể là bất thường.

Bởi vậy cần cân nhắc trong tình huống này. Việc tăng mức xử phạt nếu vượt quá khả năng nộp phạt của người tham gia giao thông cũng có thể gây ra những hệ lụy.

Mỗi văn bản quy phạm pháp luật sẽ có những tác động trực tiếp đến xã hội, đặc biệt là các văn bản về giao thông đường bộ có thể tác động đối với mọi chủ thể trong xã hội.

Trong khi với nhiều người, việc tham gia giao thông là hoạt động mưu sinh. Nếu không may bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao vượt quá khả năng nộp phạt của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế và vấn đề mưu sinh.

Theo Luật Thủ đô, HĐND TP Hà Nội được áp dụng mức tiền phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (trong đó có giao thông) cao hơn mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định. Ở đây có thể hiểu, Hà Nội được phép áp dụng nếu thấy cần thiết, chứ không phải bắt buộc áp dụng. Nói cách khác, được trao quyền không có nghĩa là buộc phải làm nếu thấy không phù hợp.

Mở rộng ra, thay vì tập trung vào xử phạt, thành phố nên tập trung vào các giải pháp mang tính bền vững, giải quyết tận gốc rễ vấn đề: nâng cấp các tuyến đường, xây thêm cầu vượt, hầm chui; hạn chế xây nhà cao tầng tại khu vực trung tâm để giảm áp lực lên hạ tầng…

Đồng thời, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, làm sao người dân ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng thay vì chọn xe cá nhân…

Luật sư Đặng Văn Cường

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tang-phat-co-giai-quyet-tan-goc-vi-pham-192250210221816133.htm