Tăng lợi ích, giảm rủi ro khi dùng mạng xã hội: Bài cuối: Để sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả

Trước “tính hai mặt” của mạng xã hội (MXH), các cơ quan chức năng đã đặt ra nhiều giải pháp cụ thể cho việc sử dụng MXH an toàn. Công tác quản lý thông tin trên MXH ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021 của Bộ Thông tin và truyền thông được Sở Tư pháp biên tập, phát hành để phục vụ công tác tuyên truyền. Ảnh: A.Nhơn

Quy tắc ứng xử chung trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021 của Bộ Thông tin và truyền thông được Sở Tư pháp biên tập, phát hành để phục vụ công tác tuyên truyền. Ảnh: A.Nhơn

Tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm

Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường cho biết, thời gian qua, sở đã chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân đối với việc sử dụng MXH; cảnh báo việc lợi dụng MXH để lừa đảo; cảnh báo phân biệt tin thật, tin giả; hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn cũng như nhận biết những thông tin, video clip độc hại, không phù hợp. Sở cũng duy trì hoạt động đường dây nóng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin sai phạm trên internet, MXH.

Ngoài ra, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trên không gian mạng, Sở Thông tin và truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các cuộc kiểm tra việc đăng ký sử dụng tên miền; thanh tra hoạt động báo chí và thiết lập trang thông tin điện tử đối với các cá nhân…

Thời gian tới, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng những nội dung liên quan về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới tại các cuộc họp giao ban báo chí. Sở tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn thông tin; việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, internet.

Phó giám đốc Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn cho hay, để tránh những vi phạm pháp luật trên không gian mạng, ngành công an đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp công tác để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 để người dân nắm bắt, chấp hành, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin trên MXH.

Định hướng cho trẻ khi sử dụng MXH

Bà NGUYỄN THỊ THU HỒNG (ngụ phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) cho rằng, các đối tượng xấu lợi dụng MXH để truyền bá những hình ảnh, thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải dành nhiều thời gian gần gũi, trò chuyện, phân tích cho con thấy được mặt lợi ích cũng như những tác hại tiềm ẩn của MXH. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, quản lý, nhắc nhở, định hướng cho con sử dụng internet, MXH cho phù hợp để không bị sa đà vào những “mảng tối” của MXH.

Tuân thủ nguyên tắc “5 không và 3 cần”

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho hay, thời gian qua, Sở Tư pháp (Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh) đã thực hiện tốt việc định hướng nội dung, hướng dẫn các hình thức PBGDPL cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Một trong những hình thức PBGDPL hiệu quả được Sở Tư pháp hướng dẫn, định hướng cho các đơn vị sử dụng là MXH. Đồng thời, đưa nội dung tuyên truyền trên MXH vào kế hoạch công tác PBGDPL của tỉnh hàng năm để các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền.

Sở Tư pháp cũng đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên MXH; biên tập nội dung, in ấn và phát hành 3,5 ngàn áp-phích tuyên truyền về quy tắc ứng xử trên MXH để cấp phát đến các trường học, cơ quan, đơn vị, địa phương. Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn và mời tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn) triển khai chuyên đề Tác động của MXH và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tham gia MXH hiện nay cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng sử dụng các kênh truyền thông trên MXH để tuyên truyền về những mặt tích cực, tiêu cực của MXH, thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng MXH nhằm kịp thời cảnh báo cho người dân.

Chia sẻ về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng MXH, tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga cho rằng, các cán bộ, đảng viên cần chấp hành nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, MXH; thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ Thông tin và truyền thông (Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021). Khai báo trung thực thông tin liên quan đến trang thông tin điện tử cá nhân, tài khoản MXH cho cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Chủ động sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân, tài khoản MXH của mình để tuyên truyền, lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên internet, MXH…

Tùy theo năng lực, trình độ, vị trí công tác, mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, quan tâm bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, tuyệt đối không để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ. Chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị chức năng…

Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn) chia sẻ chuyên đề Tác động của mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội hiện nay cho đội ngũ báo cáo viên Đồng Nai cuối năm 2023.

Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Hành chính - hình sự, Trường đại học Sài Gòn) chia sẻ chuyên đề Tác động của mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi tham gia mạng xã hội hiện nay cho đội ngũ báo cáo viên Đồng Nai cuối năm 2023.

“Cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nguyên tắc “5 không và 3 cần” với MXH. Đó là không tin ngay; không tò mò; không thêm bớt; không vội chia sẻ, đăng tải; không bị kích động, xúi giục; cần bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân có ý thức và biện pháp bảo mật tài khoản MXH, thông tin cá nhân; cần cảnh giác; cần kiểm chứng thông tin” - tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là phải tích cực đấu tranh, phản bác, ngăn chặn thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch trên MXH.

Cụ thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không truy cập vào các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chính quyền địa phương. Báo cáo cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chức năng xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Báo cáo cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai sự thật về cơ quan, đơn vị, địa phương mình để định hướng tư tưởng, dư luận xã hội. Không bày tỏ cảm xúc, thái độ, bình luận, chia sẻ, đăng tải thông tin khi không thể xác định đó là thông tin tích cực hay thông tin xấu, độc, tin giả, thông tin sai sự thật, các quan điểm sai trái, thù địch…

Trần Danh - An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/tang-loi-ich-giam-rui-ro-khi-dung-mang-xa-hoi-bai-cuoi-de-su-dung-mang-xa-hoi-an-toan-hieu-qua-9d4594d/