Tăng khiếu kiện doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội
Thời gian qua, tình trạng tranh chấp giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) liên quan đến tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) đang diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy, số vụ khiếu kiện giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cũng gia tăng.
Các vụ tranh chấp này đa phần đang được TAND các cấp tiếp nhận, thụ lý và nỗ lực giải quyết nhằm mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
* Khổ vì không chốt được sổ BHXH
Liên tiếp trong những ngày gần đây, tại TAND H.Vĩnh Cửu có rất nhiều NLĐ tập trung đến tòa để được giải quyết, hướng dẫn làm đơn khởi kiện liên quan đến BHXH. Đa số là tình trạng các DN ngừng hoạt động đột xuất, không đóng tiền BHXH cho NLĐ trong suốt một thời gian dài. Điều này đã khiến cho NLĐ không thể chốt sổ BHXH khi chuyển sang làm việc tại DN khác, hoặc làm các thủ tục hưởng chế độ BHXH theo quy định.
Ngồi tại hành lang của TAND H.Vĩnh Cửu vào sáng 15-6, bà Nguyễn Thị Hà (44 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cầm trên tay tờ đơn khởi kiện với vẻ mặt rất mệt mỏi. Bà nói, trong suốt thời gian qua vì quá lo lắng không thể chốt được sổ BHXH mà bà mất ăn mất ngủ.
Bà Hà kể, bà xin vào làm việc tại Công ty M.T.M. (ở xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) từ năm 2015. Đến tháng 11-2022, công ty thông báo đóng cửa và cho công nhân thôi việc đột ngột. Điều đáng nói là khi bà Hà đi đến cơ quan BHXH để mong rút được tiền bảo hiểm trang trải cuộc sống thì được trả lời công ty trong một thời gian dài trước đó không nộp BHXH cho bà Hà nên không chốt được sổ bảo hiểm và không thể rút tiền. Vừa thất nghiệp, vừa không có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày khiến cho gia đình bà rơi vào cảnh nợ nần, khốn đốn khi phải nuôi 3 con nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (47 tuổi, ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) làm việc tại Công ty N.T.M. từ năm 2014, đến cuối năm 2022 thì công ty thông báo cho toàn bộ công nhân nghỉ việc. Ngay sau khi bị cho nghỉ việc, bà Xuân liền đi xin việc ở công ty khác. Thế nhưng, do công ty cũ không đóng tiền BHXH và không trả sổ bảo hiểm cho bà Xuân nên bà cũng không có cách nào để xin làm việc ở những công ty khác, vì sổ BHXH của bà chưa được chốt.
“Sau khi biết công ty nợ BHXH, tôi rất bàng hoàng và lo lắng vì trong suốt những năm qua tôi làm việc và vẫn bị trừ tiền đóng bảo hiểm hàng tháng. Những tưởng về già sẽ có số tiền rút BHXH một lần để dưỡng già, nào ngờ lại không rút được. Tôi hy vọng sau khi được TAND H.Vĩnh Cửu thụ lý, giải quyết tranh chấp thì có thể sớm lấy lại được số tiền BHXH của mình” - bà Xuân bộc bạch.
* Nỗ lực bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ
Không chỉ ở H.Vĩnh Cửu mà tại một số địa phương khác trong tỉnh, tình trạng DN phá sản, ngừng hoạt động trong thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh một số DN giải quyết chế độ thất nghiệp và hỗ trợ chốt sổ, đóng tiền BHXH đầy đủ cho công nhân, vẫn còn một số công ty bỏ mặc NLĐ. Từ đó dẫn đến phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến BHXH.
Theo thẩm phán Bùi Bá Diễn, Chánh án TAND H.Vĩnh Cửu, thời gian qua, tranh chấp liên quan đến BHXH tăng khiến lực lượng nhân sự của ngành tòa án đã thiếu nay còn quá tải hơn. Bởi lẽ, đa phần NLĐ thiếu người hướng dẫn nên đơn khởi kiện và nộp bổ sung giấy tờ không đúng quy định. Mỗi đợt khởi kiện liên quan đến BHXH sẽ có từ 40 người đến hàng trăm NLĐ tham gia khởi kiện đòi quyền lợi. Từ đó, ngành Tòa án phải tập trung nhân sự hướng dẫn người dân và thụ lý đơn để mong sớm đưa vụ việc tranh chấp ra xét xử, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong tranh chấp BHXH, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.
“Thông thường, bị đơn là các DN đã không còn hoạt động, chủ DN cũng bỏ đi nơi khác hoặc không xuất hiện tại nơi ở, dẫn đến việc tòa án không thể tống đạt văn bản tố tụng cho họ. Để giải quyết được những vụ án này, cán bộ tòa án phải đi lại nhiều lần để tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng, mất nhiều công sức, thời gian” - thẩm phán Bùi Bá Diễn cho hay.
Cũng theo một thẩm phán TAND TP.Biên Hòa, thông thường khi xảy ra tranh chấp giữa NLĐ và DN thì sẽ được tiến hành thương lượng, các bên đàm phán để hàn gắn mâu thuẫn, bất đồng phát sinh về vấn đề BHXH. Nhưng hiện nay, trong các vụ việc, chủ công ty đều chuyển đi nơi khác nên NLĐ phải nhờ đến các cơ quan tố tụng để kiện tụng và xét xử vắng mặt khi bị đơn không tham gia phiên tòa.
Theo các cơ quan chức năng, khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa NLĐ và DN thì cần bình tĩnh và cùng nhau gỡ rối những vấn đề đang xảy ra. Trong trường hợp hai bên không có tiếng nói chung thì phải nhờ đến các cơ quan khác như: Liên đoàn Lao động hoặc cơ quan hỗ trợ pháp lý để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp các bên hòa giải không thành, cần tiến hành làm đơn yêu cầu tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.