Tăng hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và phân phối nông sản

Việc hình thành các chuỗi sản xuất, phân phối tại hệ thống bán lẻ hiện đại tại Hà Nội đã giúp ổn định thị trường nông sản, thực phẩm, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng để các chuỗi liên kết được chặt chẽ, hiệu quả, người sản xuất cần thay đổi nhận thức và cách làm nông nghiệp.

Giới thiệu nông sản thế mạnh của Hà Nội với các doanh nghiệp phân phối.

Gắn kết sản xuất và phân phối

Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Tiến Dương (huyện Ðông Anh) đã kiên trì chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng bền vững, an toàn. Bà Phạm Thị Lý, Ðại diện HTX nông nghiệp hữu cơ Tiến Dương cho biết, khi được dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của đơn vị có nhật ký sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, được người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đã có mặt trong các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn.

Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho biết, các sản phẩm của đơn vị đang được bán rộng rãi trên hệ thống gần 20 siêu thị Fivimart, BigC và gần 500 bếp ăn tập thể. Việc tham gia chuỗi liên kết cung ứng giúp người sản xuất chủ động tiêu thụ, ổn định giá bán, không bị thương lái ép giá. Khi tham gia chuỗi phân phối của các hệ thống lớn tăng được uy tín, thương hiệu và giá trị cho sản phẩm.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các HTX, hộ sản xuất với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm. Qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra, nhất là các sản phẩm có tính thời vụ, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ… Thành phố đã có 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Có thể kể đến các sản phẩm từ gia cầm, trứng gia cầm của các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn được các công ty: Minh Hiền, Tiên Viên, Ba Huân... tiêu thụ, chế biến. Sản phẩm rau, củ của vùng trồng rau an toàn Vân Nội; Thanh Ða, Thanh Trì, Gia Lâm…; quả các loại như cam Canh, bưởi Diễn, ổi Ðông Dư, chuối, nhãn chín muộn Hoài Ðức, Phúc Thọ, Gia Lâm… đã được đưa vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn của thành phố.

Yêu cầu tính chuyên nghiệp cao

Tuy đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng cường liên kết cung - cầu nhằm bảo đảm đầu ra và chất lượng cho mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhưng lượng hàng hóa tiêu thụ qua các chương trình kết nối không nhiều, chỉ chiếm từ 15% đến 20%. Việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Nhất là chưa giải quyết được vấn đề tích tụ đất để thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ… Tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chỉ đạt 30%.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, phần lớn các hộ nông dân mới chỉ sản xuất và bán sản phẩm cho thương lái, mà chưa nghiên cứu xem thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững. Hiện vẫn còn tình trạng sản xuất chạy theo lợi nhuận, chưa bảo đảm chữ tín với các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng tiêu thụ bấp bênh, không ổn định. Do đó, các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp cần nhận thức rằng, chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ðể thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa sáu nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà phân phối); chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để linh hoạt điều chỉnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản an toàn.

Nguyên Trang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/36186002-tang-hieu-qua-chuoi-lien-ket-san-xuat-va-phan-phoi-nong-san.html