Tăng giải trình, siết kỷ cương

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020. Với định hướng 'không coi đây là việc đã rồi' của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri kỳ vọng các đại biểu sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý các vi phạm để nâng cao chất lượng công tác này cũng như hiệu quả, chất lượng xem xét quyết toán ngân sách của Quốc hội.

Ước thu khác xa thực tế

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, những hạn chế kéo dài nhiều năm trong việc dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách tiếp tục lặp lại trong năm 2020. Đó là tình trạng, ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; phân bổ, giao dự toán chậm; chi chuyển nguồn ngân sách còn quá lớn; sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều,

Đã đến lúc siết lại kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Nguồn: ITN

Đã đến lúc siết lại kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Nguồn: ITN

Cụ thể, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra rằng, thu ngân sách trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu ngân sách, thấp hơn mục tiêu đề ra (60 - 65%), làm giảm dần vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP. Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2020 các địa phương lập dự toán thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019, mặc dù Trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu vẫn vượt dự toán 80,4%. Ngoài ra, dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn thuế vượt dự toán Quốc hội quyết nghị 7.019 tỷ đồng.

Chi chuyển nguồn quá lớn

Trong chi đầu tư phát triển, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng kế hoạch vốn trong năm điều chỉnh 3 lần, kế hoạch vốn ngoài nước phải điều chỉnh giảm 14.598 tỷ đồng (đã hủy dự toán). Vẫn có trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước (7.170 tỷ đồng). Số dư tạm ứng chưa thu hồi thuộc kế hoạch vốn năm 2020 nguồn ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương rất lớn (chiếm 22,2% số vốn kế hoạch và chiếm gần 27% số vốn giải ngân).

Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm 2020 đã giảm đáng kể trong quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn còn một số hạn chế. Một số chính sách bảo đảm an sinh xã hội quan trọng chưa triển khai kịp thời trong năm…

Về chi trả nợ lãi, quyết toán chi trả nợ lãi năm 2020 là 106.465 tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán điều chỉnh. “Trong nhiều năm liên tục việc xác định dự toán chi trả nợ lãi đều cao hơn mức thực hiện cho thấy công tác lập dự toán chi đầu tư, xác định bội chi, vay bù đắp bội chi chưa sát tình hình thực tế”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định.

Đặc biệt, tổng chi chuyển nguồn năm 2020 là 643.406 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2019; trong đó ngân sách trung ương giảm 13,4% nhưng ngân sách địa phương tăng 18,3%. Một số bộ, ngành còn chi chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm. 26/45 địa phương được kiểm toán chi chuyển nguồn cao hơn năm trước, chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 2.885 tỷ đồng. Điều này cho thấy các bộ, ngành, địa phương lập, chấp hành dự toán không nghiêm.

Bội chi ngân sách Chính phủ đề xuất quyết toán 216.405 tỷ đồng, cũng thấp hơn nhiều so với mức được Quốc hội phê chuẩn. Và vào thời điểm chỉ còn 2 tháng kết thúc niên độ ngân sách, Chính phủ vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi ngân sách trung ương thêm 133.500 tỷ đồng, nhưng thực tế thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu.

Siết kỷ cương bằng hành động

Báo cáo quyết toán ngân sách của quốc gia cũng như báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, là hệ thống đánh giá quan trọng nhất về “sức khỏe” và “hiệu quả” hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước trong một năm.

Nếu hình dung quốc gia như một doanh nghiệp thu nhỏ thì Quốc hội chính là hội đồng quản trị, thực hiện vai trò thay mặt nhân dân - các cổ đông, để giám sát xem hiệu quả sử dụng nguồn lực về tài chính của “doanh nghiệp quốc gia” trong một năm là như thế nào. Khi Quốc hội làm tốt khâu phê chuẩn quyết toán ngân sách sẽ làm tăng minh bạch nền tài chính quốc gia và giúp tài sản quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn.

Với tầm quan trọng như vậy, có thể hiểu vì sao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu “nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là việc đã rồi, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm qua”. Từ đó, tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm về tài chính, ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác này cũng như hiệu quả, chất lượng xem xét quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ đạo của Quốc hội rất trúng vấn đề! Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, Quốc hội khi xem xét thông qua quyết toán ngân sách phải gắn chặt với trách nhiệm giải trình của Chính phủ đi cùng với siết kỷ luật, kỷ cương ngân sách. Cụm từ “kỷ luật ngân sách chưa nghiêm” thường xuất hiện trong các báo cáo thẩm tra ngân sách hoặc trong các phát biểu trên nghị trường, song đã đến lúc các đại biểu cũng cần thể hiện điều đó bằng hành động, khi bấm nút. Và không thể kéo dài mãi chuyện tiền thuế của người dân bị sử dụng không đúng mục đích, chi tiêu vô lối, mà không một ai bị kỷ luật!

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tang-giai-trinh-siet-ky-cuong-i291011/