Tăng cường vận động thể chất trong hè cho trẻ mầm non
Trong thời gian học hè, các trường mầm non đã tăng cường hoạt động thể chất để trẻ vừa được vận động và củng cố nhiều kỹ năng quan trọng.
Đa dạng hoạt động cho trẻ
Hơn một tháng qua sau khi năm học 2022-2023 kết thúc, nhiều trường mầm non đã tổ chức trông trẻ dịp hè để đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh học sinh. Dù là dạy hè nhưng các nhà trường vẫn triển khai nhiều hoạt động bổ ích để rèn luyện, củng cố kỹ năng cho trẻ.
Với khoảng 390 trẻ đăng ký học hè, Trường Mầm non Đan Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch hoạt động hè 2023 và phân công giáo viên dạy hè theo đúng hướng dẫn của Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng và thành phố.
Cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng trao đổi: Trong năm học, trẻ được cô giáo dạy cung cấp kiến thức kỹ năng mới là chính. Trong các tháng hè, trẻ được thể hiện khả năng hiểu biết của mình qua nhiều trò chơi. Đối với trẻ 3 tuổi, trẻ được chơi với hoạt động toán hình học, đếm và so sánh kích thước của hai đối tượng, trò chơi với bàn tay phải - tay trái...
Với các bài hát, trẻ sẽ được cô dạy với hình thức nâng cao hơn như vận động, múa. Ngoài ra, cô tổ chức cho trẻ làm quen với hình thức hát mới trên nền bài hát đã biết như hát rock, rap, hợp xướng. Hoạt động phát triển vận động được tổ chức thành một số trò chơi liên hoàn, giao lưu với các bạn trong lớp và lớp khác giúp trẻ có sức khỏe, mạnh dạn thoải mái.
Hoạt động thường xuyên được cô rèn trẻ trong cuộc sống hàng ngày như chơi, học, ăn, ngủ, lao động. Trẻ được các cô rèn kỹ năng vệ sinh cá nhân đúng cách, vệ sinh lau các đồ dùng trong lớp, cất đồ dùng ngăn nắp sau khi chơi xong. Trẻ được cô tổ chức cho các hoạt động trải nghiệm như: Nhặt rau giúp mẹ, làm cơm cuộn Hàn Quốc, làm món salat, làm món tráng miệng, đồ uống...
Còn tại Trường Mầm non Hoa Sen (TP Phủ Lý, Hà Nam), nhà trường tiếp tục chỉ đạo giáo viên các lớp nghiêm túc soạn và duyệt kế hoạch theo quy định. Nội dung kế hoạch đảm bảo phù hợp với từng độ tuổi nhằm ôn luyện củng cố các kiến thức đã học trong năm học.
Cô Trần Thị Minh Hồng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có 250 trẻ đăng ký học hè được chia thành 9 lớp. Các lớp cũng tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm tạo cơ hội cho trẻ có những ngày hè bổ ích, vui vẻ tại trường. Ví dụ, giao lưu các trò chơi vận động; làm vừng lạc; bé tập nhặt rau; vui học Kidsmart; các thí nghiệm vui dành cho trẻ mầm non.
Song song với các hoạt động học tập, hàng ngày trẻ được tham gia các hoạt động góc, hoạt động ngoài trời (nếu thời tiết mát); hoạt động kỹ năng sống. Nhà trường chỉ đạo các lớp 4 - 5 tuổi chú trọng việc rèn những kiến thức, kỹ năng sơ đẳng về toán học và chữ cái: làm quen với các số từ 1 - 10; nhận biết 29 chữ cái làm nền tảng, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1.
Coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm
Một trong các ưu tiên của các nhà trường đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen Trần Thị Minh Hồng cho biết, nhà trường tiếp tục ký hợp đồng thực phẩm trong dịp hè với đơn vị uy tín. Người nấu ăn đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, thực hiện sơ chế, chế biến, chia ăn theo quy trình bếp ăn một chiều, đảm bảo làm đâu gọn đấy.
Hàng ngày đều giám sát chất lượng và khối lượng thực phẩm thông qua việc bàn giao thực phẩm giữa nhà trường, nhà cung cấp và phụ huynh. Điều này đảm bảo chất lượng thực phẩm mỗi ngày đều tươi ngon, không bị dập nát.
"Nhà trường quản lý, giám sát chặt chẽ đối với nhà bếp và các lớp về việc tổ chức bữa ăn cho trẻ, không để tình trạng thất thoát thực phẩm dưới mọi hình thức. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp hè" - cô Hồng nói.
Cũng theo cô Minh Hồng, thực đơn theo mùa với đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo 20 - 25 loại thực phẩm/ngày. Chất lượng bữa ăn được nâng cao, 100% trẻ ăn hết suất và khẩu phần ăn. Đối với trẻ nhà trẻ, đảm bảo 2 bữa chính, 1 bữa phụ; trẻ mẫu giáo 1 bữa chính và 1 bữa phụ.
Ngoài đảm bảo bếp ăn một chiều, Trường Mầm non Đan Phượng thực hiện thức ăn được đưa lên các nhóm lớp bằng thang tời cơm đảm bảo vệ sinh.
Dụng cụ sử dụng cho trẻ ăn uống như bát, đĩa, thíà… phải rửa sạch sẽ, để ráo nước sau đó sấy khô, phải có rổ úp bát bằng Inox, các dụng cụ xoong nồi, dao thớt phải khô ráo, được treo và kê cao thoáng, đồ dùng dụng cụ dành cho thực phẩm sống, chín để riêng, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Hàng ngày, khi nấu ăn xong phải dọn dẹp, sắp xếp đồ dùng, dụng cụ vào đúng nơi quy định, vệ sinh sạch sẽ các khu vực trong và ngoài nhà bếp, mở quạt thông gió, mở các cửa sổ để thông gió cho khô, thoáng nhà bếp.
"Ngoài công tác vệ sinh hàng ngày, định kỳ hàng tuần nhân viên nhân viên nuôi dưỡng phải tổng vệ sinh xung quanh bếp, vệ sinh nhà bếp, dụng cụ nhà bếp, dụng cụ ăn uống, nơi sơ chế thực phẩm sống, khu chế biến thực phẩm, khu chia ăn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ", cô Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.