Tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển tín dụng chính sách xã hội

Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng và là 'trụ cột' trong chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội của Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Bài viết phân tích kết quả, hạn chế, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trong phát triển tín dụng chính sách xã hội.

TDCSXH ở Việt Nam đã và đang được triển khai rộng rãi, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho các đối tượng theo quy định _ Ảnh: quochoi.vn

TDCSXH ở Việt Nam đã và đang được triển khai rộng rãi, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho các đối tượng theo quy định _ Ảnh: quochoi.vn

1. Mở đầu

Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là tín dụng chính sách không vì mục đích lợi nhuận nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập vươn lên thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn vốn để thực hiện chính sách này chủ yếu từ ngân sách, sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Do vậy, để sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền; sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng lòng của người dân; sự chung tay của doanh nghiệp. Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động TDCSXH có ý nghĩa quyết định.

2. Phát triển tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam

TDCSXH ở Việt Nam đã và đang được triển khai rộng rãi, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho các đối tượng theo quy định. Trong hơn 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đạt và vượt chỉ tiêu tín dụng được Chính phủ giao. Tổng dư nợ tín dụng chính sách từ 7.022 tỷ đồng cuối năm 2002, lên 283.348 tỷ đồng năm 2022, tăng 40,4 lần. Số lượng khách hàng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tăng từ 2,7 triệu cuối năm 2002 lên trên 6,5 triệu vào cuối năm 2022. Dư nợ bình quân một hộ tăng từ 2,54 triệu đồng năm 2002 lên 40 triệu đồng năm 2021.Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,19%/tổng dư nợ (thời điểm 31-12-2022). Số tổ tiết kiệm và vay vốn tăng từ 954 tổ năm 2002 lên gần 169 nghìn tổ năm 2022. Số lượng các chương trình tín dụng chính sách (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên) từ 3 chương trình năm 2002 tăng lên 23 chương trình năm 2022

Từ thực tiễn triển khai TDCSXH trong hơn 20 năm từ năm 2002 cho thấy, phương thức ủy thác cho vay của NHCSXH là sự sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và thực tiễn phát triển của Việt Nam.

TDCSXH của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu, “một điểm sáng” về giảm nghèo trên thế giới.

NHCSXH đã chuyển vốn TDCSXH của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, theo phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Hoạt động TDCSXH đã tạo điều kiện cho các chủ thể: “cấp ủy đảng, chính quyền, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực thi chế độ, chính sách của Nhà nước”(1). TDCSXH của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu, “một điểm sáng” về giảm nghèo trên thế giới.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, TDCSXH cũng còn những bất cập, hạn chế. Để thúc đẩy TDCSXH lên “tầm cao mới”, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, trong đó tập trung 4 vấn đề lớn: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động TDCSXH. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện TDCSXH. Thứ ba, tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả TDCSXH. Thứ tư, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH.

Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đã khẳng định: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCSXH; xác định đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. TDCSXH là công cụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện TDCSXH ở Việt Nam hiện nay.

3. Vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển tín dụng chính sách xã hội

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động TDCSXH. Các cơ quan có thẩm quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho TDCSXH. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức chính trị - xã hội với hệ thống NHCSXH, cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân đã thúc đẩy tính chủ động, bảo đảm hiệu quả cho hoạt động TDCSXH, góp phần làm “sâu rễ bền gốc” cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hai là, các cơ quan hữu quan ở trung ương và các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xác định, việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCSXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hoạt động công tác. Đến nay đã có 100% các cấp ủy, chính quyền đều ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác TDCSXH gắn với đặc điểm, tình hình của địa phương mình; đồng thời, chủ động bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền đã gắn chặt TDCSXH với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thường xuyên củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay và sử dụng vốn vay. Thông qua đội ngũ cán bộ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động TDCSXH trên địa bàn. Việc bổ sung chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tham gia là thành viên ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, đã giúp hoạt động tín dụng chính sách bám sát thực tiễn.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đó, các chính sách được triển khai hiệu quả qua mô hình các ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn của từng đoàn thể cơ sở, thôn, tổ dân cư, góp phần hiệu quả trong quá trình thực hiện. Các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi được người dân nắm bắt, thực hiện tốt, tinh thần dân chủ được phát huy qua các cuộc họp bình xét vay vốn, nhận vốn vay, sử dụng vốn vay, trả nợ gốc - lãi…Mặt khác, hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên của ban công tác mặt trận, trưởng thôn, ban thanh tra nhân dân… hoạt động tín dụng chính sách đã bảo đảm đúng nguyên tắc, chế độ, vốn vay đến kịp thời và đúng đối tượng.

Bốn là, các cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền các mô hình, tấm gương tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn TDCSXH, điều này đã tạo sự đồng thuận cao trong triển khai, thực hiện chương trình TDCSXH.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Năm là, các cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng nhận thức sâu sắc về TDCSXH và xác định, TDCSXH là một giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều bền vững; thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc củng cố, nâng cao chất lượng triển khai thực hiện TDCSXH đến người dân; điều tra đúng, đủ và kịp thời đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn; phối hợp các hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Sáu là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội “chủ động, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, chú trọng quan tâm hơn đến các hoạt động TDCSXH.

Với phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH ủy thác cho 04 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam) thực hiện một số công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn. Do đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp với sự tham gia của hàng vạn cán bộ tổ chức hội từ trung ương đến cơ sở cùng phối hợp để triển khai nhanh chóng, hiệu quả TDCSXH.

4. Một số hạn chế, bất cập của cấp ủy đảng, chính quyền trong phát triển tín dụng chính sách xã hội

Thứ nhất, “công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 40- CT/TW nói riêng; chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách nói chung ở một số địa phương chưa thực sự rộng rãi, thường xuyên, kịp thời, phù hợp. Nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về TDCSXH chưa đầy đủ, chưa xem đây là nhiệm vụ lãnh đạo của cấp ủy”(2) dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, chưa có biện pháp cụ thể và tích cực để nâng cao chất lượng TDCSXH.

Thứ hai, một số cấp ủy, chính quyền chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước của địa phương để ủy thác sang NHCSXH thực hiện chương trình TDCSXH, có nơi bố trí nhưng chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện TDCSXH có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Thứ ba, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định TDCSXH là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, còn thiếu sự chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp trong việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí, có địa phượng, chỉ xem TDCSXH như một hoạt động “bên cạnh/thêm nếm” trong công tác của cấp ủy đảng, chính quyền, do đó chưa thực sự chú trọng, quan tâm; có biểu hiện “khoán trắng” cho NHCSXH.

Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng công tác ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn... chưa thực sự quyết liệt, còn hạn chế và thiếu tính bền vững. Chưa có biện pháp hữu hiệu lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự đóng góp của tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng bổ sung nguồn vốn cho TDCSXH.

Thứ năm, một số ít nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa sát sao, chỉ đạo rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với trường hợp hộ bị rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, có nguy cơ tái nghèo để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; công tác điều tra, xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương còn chậm, có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa thường xuyên hoặc có kiểm tra nhưng chưa sâu, chất lượng kiểm tra chưa cao. Tại một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã chưa tham dự giao ban thường xuyên với NHCSXH, chưa quyết liệt trong quản lý và xử lý tồn tại hoạt động tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là các xã nợ quá hạn cao, hộ vay vốn chây ỳ không trả nợ, bỏ đi khỏi nơi cư trú; chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo quy định dẫn đến chất lượng tín dụng thấp.

5. Giải pháp góp phần phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trong phát triển tín dụng chính sách xã hội

Một là, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; nhận thức đúng, triển khai đúng, tham mưu kịp thời; tăng cường sự chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự hợp tác chặt chẽ của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, phát huy trách nhiệm, năng lực của các chủ thể giám sát trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh, năng lực, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác của cả hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống TDCSXH.

Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng về tầm quan trọng của nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trong thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, trọng trách trước hết thuộc về địa phương, nên nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương không chỉ là triển khai theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị hay theo quy định mà là chủ động, tích cực thực hiện trách nhiệm đối với người dân trên địa bàn thông qua nghiệp vụ của NHCSXH.

Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCSXH; tiếp tục lấy TDCSXH làm công cụ hữu hiệu trong việc góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu: hằng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động TDCSXH, công tác nhận ủy thác của NHCSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH.

Bốn là, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để gắn kết có hiệu quả TDCSXH với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ; các chương trình khuyến nông, tập huấn, đào tạo nghề; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp hiệu quả với NHCSXH thực hiện tốt chính sách tín dụng được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng cho địa phương.

Năm là, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH. Bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Gắn chặt trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác điều tra xác định đối tượng vay vốn, phối hợp với các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ. Cấp ủy, chính quyền địa phương là chủ thể chính trong việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác để hỗ trợ NHCSXH thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trên cơ sở nhận diện đối tượng, nắm bắt nhu cầu, xây dựng kế hoạch và triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng.

Sáu là, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong phối hợp với NHCSXH để nhận được sự tham mưu, tư vấn về việc cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, bình xét đối tượng vay vốn công khai minh bạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình dự án, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Bảy là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, sự tham gia, giám sát của trưởng thôn trong việc quản lý nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho người nghèo, đối tượng chính sách để nâng cao chất lượng tín dụng. Chính quyền phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong đào tạo, tập huấn nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn và chất lượng điểm giao dịch xã của NHCSXH; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện có hiệu quả chương trình TDCSXH.

6. Kết luận

TDCSXH là chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; tạo sinh kế, việc làm cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo.

Việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động này là tất yếu và cần thiết, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện. Thông qua đó, việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn sẽ đạt hiệu quả cao hơn; chất lượng hoạt động TDCSXH ngày càng được nâng lên.

TS ĐẶNG THỊ MINH LÝ
Viện Xã hội học và Phát triển,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

_________________

(1) Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19-5-2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(2) Lê Anh: Góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, https://daihoi13.dangcongsan.vn/, ngày đăng: 11-12-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia: Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 9-2023.

2. Ngân hàng chính sách xã hội: Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04-10-2002 của Chính phủ.

3. Ngân hàng chính sách xã hội: Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/tang-cuong-vai-tro-lanh-dao-quan-ly-cua-cac-cap-uy-dang-chinh-quyen-trong-phat-trien-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-57548.html