Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
Toàn tỉnh hiện có 1.777 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị hành chính. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 500.000 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Với khối lượng hồ sơ phát sinh lớn như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC là một trong những giải pháp quan trọng.
Thành phố Lạng Sơn là một trong những đơn vị chủ động, tích cực ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC. Hiện nay, thành phố có 251 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị cấp thành phố; 106 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. Trung bình mỗi năm, bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn tiếp nhận hơn 60.000 hồ sơ TTHC. Chỉ tính riêng quý I/2024, toàn thành phố tiếp nhận 5.934 hồ sơ; đã giải quyết 5.846 hồ sơ, trong đó, có 5.479 hồ sơ được trả kết quả trước và đúng hạn, đạt 93,72%.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: UBND đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hành chính ứng dụng CNTT và tăng cường tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC trên môi trường mạng đảm bảo nhanh gọn, chính xác, gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện, chúng tôi đã đưa nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện hằng năm; giao Văn phòng HĐND&UBND thành phố làm đầu mối thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện.
Trong quý I/2024, toàn tỉnh tiếp nhận 96.048 hồ sơ thì có 83,85% (80.535 hồ sơ) nộp qua DVCTT, tăng 17,45% so với cùng kỳ năm 2023; 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng hạn.
Cùng với UBND thành phố Lạng Sơn, việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trên môi trường mạng là một bước tiến, mang lại lợi ích cho cả cơ quan hành chính Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân khi thực hiện các thủ tục này. Hiện nay, trong nhóm này có khoảng 50 thủ tục như đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, đăng ký thành lập công ty cổ phần, đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp..., tất cả các thủ tục đều được thực hiện trên môi trường mạng, qua cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Trung bình mỗi ngày, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận từ 10 hồ sơ trở lên thuộc nhóm lĩnh vực này. Với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng, các thủ tục đều được trả kết quả đúng hạn, người dân có thể nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích mà không cần phải đến tận nơi lấy trực tiếp.
Không riêng thành phố Lạng Sơn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC. Theo đó, hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện TTHC trên môi trường mạng, tăng cường việc ứng dụng các phần mềm dùng chung và chuyên ngành trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai DVCTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống của tỉnh đã triển khai cung cấp 1.811 DVCTT bao gồm cả DVCTT của Công ty Điện lực Lạng Sơn, trong đó, 1.080 DVCTT toàn trình và 452 DVCTT một phần, còn 279 dịch vụ công ở mức cung cấp thông tin tra cứu. Qua từng năm, số lượng hồ sơ phát sinh trên Cổng DVCTT của tỉnh ngày càng tăng lên. Tính riêng trong quý I/2024, toàn tỉnh tiếp nhận 96.048 hồ sơ thì có 83,85% (80.535 hồ sơ) nộp qua DVCTT, tăng 17,45% so với cùng kỳ năm 2023; 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng hạn.
Để đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cùng với công tác tuyên truyền thì đã khuyến khích các cơ quan, đơn vị hành chính chú trọng sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh như Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; niêm yết, công khai danh mục TTHC bằng hình thức mã QR-Code; thu phí, lệ phí bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, thanh toán bằng mã QR Pay miễn phí...
Chị Hoàng Thu Hạ, thôn Nà Vạc, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng cho biết: Những năm gần đây, việc thực hiện TTHC khá thuận lợi, không vất vả như trước. Bộ phận “một cửa” huyện được trang bị máy móc hiện đại, thao tác đều thực hiện qua môi trường mạng nên rất nhanh gọn, chính xác. Gần đây tôi có đến thực hiện thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch. Được công chức hướng dẫn nên tôi đã tạo tài khoản nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, tiện lợi hơn trước rất nhiều.
Việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC đã góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả hoạt công tác cải cách TTHC của tỉnh, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu, mong muốn của người dân. Công tác tiếp nhận và giải quyết các TTHC nói chung đã và đang ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, thời gian giải quyết ngày càng được cắt giảm, quy trình được đơn giản, dễ làm và hiệu quả hơn. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn ngày càng tăng, đồng thời, tỷ lệ người dân hài lòng khi đến liên hệ giải quyết các hồ sơ, TTHC cũng được nâng lên. Như trong quý I/2024, toàn tỉnh tiếp nhận 96.048 hồ sơ, đã giải quyết 92.107 hồ sơ, trong đó có 91.965 hồ sơ đã giải quyết trước và đúng hạn, còn lại đang giải quyết, đạt 99,84%, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.