Tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 30 nghìn người mắc các bệnh không lây nhiễm. Qua khám sàng lọc hằng năm cho thấy, số người mắc các bệnh này vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 30 nghìn người mắc các bệnh không lây nhiễm. Qua khám sàng lọc hằng năm cho thấy, số người mắc các bệnh này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đáng nói, nhiều người không hề biết bản thân mắc bệnh nên dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm có thể phòng tránh được nếu làm tốt công tác kiểm soát.

Các chương trình khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi của nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã góp phần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh không lây nhiễm. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi xã Bình Thành (Định Hóa).

Các chương trình khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi của nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã góp phần phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh không lây nhiễm. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi xã Bình Thành (Định Hóa).

Theo khảo sát của chúng tôi, số người mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh tăng mạnh khoảng 10 năm trở lại đây, phổ biến nhất là các bệnh, như: Ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do già hóa dân số. Đặc biệt, nhiều người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, bia, ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, không hoạt động thể lực dẫn đến thừa cân, béo phì, chuyển hóa kém cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Bác sĩ CKII Bùi Thị Huyền, Trưởng Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), nói: Là tuyến cuối trong điều trị đột quỵ, nhồi máu não của các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi tháng, Khoa tiếp nhận từ 320-350 bệnh nhân. Việc không kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn máu mỡ… chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ, nhồi mãu não. Nhiều người được phát hiện muộn nên tử vong. Những trường hợp được phát hiện, điều trị ngoài khung “giờ vàng” thường bị di chứng như liệt toàn thân, liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ… ảnh hưởng đến vận động, giao tiếp và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Thực tế này cho thấy, các bệnh không lây nhiễm không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta mà còn mang lại gánh nặng bệnh tật cho chính người bệnh, gia đình người bệnh và cả xã hội.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Việc kiểm soát bằng cách đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm đóng vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tại Thái Nguyên, việc kiểm soát được thực hiện hằng năm thông qua khám sàng lọc tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, chúng tôi duy trì việc phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc cho các trạm y tế tuyến xã thực hiện thống kê, báo cáo bệnh không lây nhiễm trên phần mềm nhằm phục vụ công tác quản lý, theo dõi và điều trị người bệnh; đồng thời tiến hành khám sàng lọc cho những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm tại các địa phương, nhất là ở những xã vùng sâu, xa, nơi người dân còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Theo đó, mỗi năm chúng tôi khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mãu mỡ, phổi tắc nghẽn mạn tính cho hơn 10 nghìn người, trong đó, số người mắc các bệnh nêu trên chiếm hơn 20%. Chúng tôi đã tư vấn dinh dưỡng và hướng dẫn người dân làm hồ sơ để được theo dõi, quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

Cùng với giải pháp nêu trên, Thái Nguyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc ăn uống, sinh hoạt; không hút thuốc lá, hạn chế rượu, bia và tăng cường luyện tập thể thao. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe, hướng dẫn người dân đi khám định kỳ để phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và điều trị kịp thời; đồng thời tăng cường năng lực hệ thống y tế để tổ chức cung ứng hiệu quả, rộng khắp các dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị và chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202310/tang-cuong-quan-ly-benh-khong-lay-nhiem-0e727e4/