TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT THI HÀNH PHÁP LUẬT: ĐẢM BẢO CHÍNH SÁCH ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Quốc hội giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Trong đó, hoạt động giám sát thi hành pháp luật có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống. Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên trên cơ sở bám sát thực tiễn và rõ trách nhiệm;…

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao

Điều 69, Hiến pháp 2013 khẳng định Quốc hộithực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Các hình thức giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ đa dạng, gồm: Giám sát thông qua việc xem xét báo cáo; giám sát thông qua kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát thông qua việc trả lời chất vấn;…

Quốc hội giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước

Trên cơ cở kết quả giám sát, hậu quả pháp lý của giám sát tối cao có thể là một Nghị quyết về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm, đề nghị cách chức đối với một hay một số chức danh thuộc đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội, những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, hậu quả pháp lý của giám sát tối cao có thể là một Nghị quyết thể hiện sự đánh giá của Quốc hội về trách nhiệm; phạm vi, mức độ trách nhiệm và năng lực, hiệu quả công tác của người bị chất vấn trong trường hợp cần thiết thì xử lý hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm; những vấn đề cần điều chỉnh về pháp luật có liên quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người bị chất vấn.

Quóc hội giám sát việc thi hành pháp luật của Chính phủ thông qua nhiều phương thức

Căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét và thảo luận đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, hậu quả pháp lý của giám sát tối cao có thể là một Nghị quyết bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể có liên quan.

Ngoài ra, căn cứ vào kết quả giám sát, hậu quả pháp lý của giám sát tối cao có thể là một Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một hay một số văn bản quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, quy định pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế, sơ hở trong hoạt động công vụ gây ra hoặc yêu cầu các cơ quan nhà nước hữu quan cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật

Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ ngày càng được đổi mới, đưa lại những kết quả thiết thực, từ đó bảo đảm cho việc thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền lực Nhân dân mà Quốc hội là người đại diện.

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, thực hiện quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong những nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, phức đáp yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giám sát của Quốc hội đối với thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã được tăng cường trên tất cả các phương thức. Thông qua kết quả giám sát, góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nền hành chính quốc gia, dịch vụ công.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động “hậu giám sát” được đặc biệt quan tâm tăng cường, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều ý kiến qua giám sát được tiếp thu, khắc phục, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm xem xét và giải quyết những vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm, góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội trở nên sôi động, thiết thực, được Nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.

PGS. TS. Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Lập luận cho nhận định này, PGS. TS Tào Thị Quyên dẫn chứng: Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Nội dung chính của hội nghị tập trung vào các luật, đặt trọng tâm, trọng điểm là các luật có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành và các nghị quyết liên quan cơ chế, chính sách đặc thù, các nghị quyết về công tác tư pháp, nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội. Đây là điểm mới của Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa quan trọng, là một trong những biện pháp để Quốc hội, đại biểu Quốc hội, giám sát từ sớm, từ xa việc tổ chức thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Bám sát thực tiễn, rõ trách nhiệm tập thể/cá nhân

Đánh giá cao những đổi mới cũng như chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát thi hành pháp luật, tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng, cơ sở pháp lý cho hoạt động này còn có những hạn chế, bất cập. Một trong những bất cập được chỉ ra là quy định pháp luật về một số hình thức giám sát chưa bảo đảm tính thống nhất, chồng chéo; một số hình thức giám sát chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ để thực hiện; chưa quy định rõ ràng để xử lý trách nhiệm của người chịu sự giám sát, chủ yếu mới dừng lại ở kiến nghị;…

Do đó, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các chuyên gia đề nghị cần: Gắn kết quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động lập pháp để kịp thời kiến nghị, đề xuất bổ sugn hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; tiến hành thường xuyên trên tất cả các phương thức giám sát trên cơ sở bám sát thực tiễn và rõ trách nhiệm; …

Cùng với các giải pháp này, cũng cần quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật, xác định rõ trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân trong quá trình giám sát; Quy định rõ hơn về thẩm quyền giám sát văn bản giữa các cơ quan của Quốc hội;…./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84985