Tăng cường đẩy mạnh quản lý và phát triển tài sản trí tuệ
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, sở hữu nhiều đặc sản nổi tiếng và di sản văn hóa phong phú, Cao Bằng có nhiều lợi thế để phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) gắn với nông nghiệp, du lịch, văn hóa. Tuy nhiên, để TSTT thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần có sự đầu tư đồng bộ cả về thể chế, nhận thức và nguồn lực. Trong những năm gần đây, tỉnh đã và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó bằng cách cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương và lồng ghép vào chương trình hành động phù hợp với điều kiện địa phương.
Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg, ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030, Quyết định số 2205/QĐ-TTg, ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển TSTT, tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ ở cấp địa phương, trong đó có Nghị quyết số 87/2023/NQ-HĐND, ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh quy định định mức lập dự toán kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động xác lập, bảo vệ và phát triển TSTT trên địa bàn.
Công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng qua các năm, phản ánh sự nâng cao nhận thức và chủ động của người dân, doanh nghiệp. Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tập huấn SHTT đối với các sản phẩm OCOP tại tỉnh cho cán bộ các sở, ngành, cán bộ làm công tác KH&CN tại các huyện, Thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. Tiếp nhận, xử lý các yêu cầu sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương trong đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn và trình cấp có thẩm quyền theo quy định; tổ chức 1 hội nghị tập huấn về SHTT với hơn 100 lượt người tham gia.
Đặc biệt, công tác xác lập, tư vấn và hỗ trợ tài chính cho các sáng chế được chú trọng. Năm 2024, hướng dẫn 8 tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường; 1 cá nhân thủ tục bảo hộ Bằng độc quyền sáng chế; hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ Bằng độc quyền sáng chế cho 2 tổ chức với kinh phí 70 triệu đồng.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển sáng kiến
Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, sản xuất, quản lý. Năm 2024, toàn tỉnh có 1.240 sáng kiến, giải pháp được công nhận, trong đó 41/62 sáng kiến đạt phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Các sáng kiến ngày càng bám sát thực tiễn, có tính ứng dụng cao, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra từ cơ sở.
UBND tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ nhất, năm 2023 - 2024” với 24 ý tưởng, dự án tham gia. Có 14 dự án xuất sắc được lựa chọn trao giải và hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đây là bước đi quan trọng trong việc thương mại hóa ý tưởng và khởi sự kinh doanh. Đồng thời, tỉnh triển khai các giải pháp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, tổ chức, cá nhân sáng tạo. Các loại hình văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung ở nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm…, được kiểm soát tốt theo đúng quy định pháp luật.
Năm 2024, hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm (VietGAP), hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc: hỗ trợ chứng nhận 30,4 ha cây trồng và 12 đơn vị vật nuôi (trong đó có Hợp tác xã nông nghiệp Lương Can); hỗ trợ thiết kế bao bì 31 cơ sở (chủ yếu hộ sản xuất); hỗ trợ chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tại điểm tới hạn (HACCP) cho 9 cơ sở, trong đó có 5 doanh nghiệp gồm: Công ty Nông lâm nghiệp Hòa An, Công ty Sài Gòn Café, Hợp tác xã nông nghiệp Trà Lĩnh, Hợp tác xã nông nghiệp Cai Bộ, Công ty TNHH Tuệ Anh Cao Bằng.
Đặc biệt, giải pháp “Quy trình nấu và tinh luyện thép 30CRMNSIA từ sắt xốp trong lò điện” của Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đây là minh chứng rõ nét cho năng lực sáng tạo khoa học công nghệ tại địa phương.

Hội nghị chưng cầu ý kiến người dân lựa chọn mẫu nhãn hiệu chứng nhận “Phúc Sen” cho các sản phẩm của làng rèn xã Phúc Sen (Quảng Hòa).
Tạo dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ
Với quan điểm “Xây dựng thương hiệu là chìa khóa nâng cao giá trị sản phẩm”, tỉnh tập trung hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Năm 2024 triển khai thực hiện 5 dự án khoa học về SHTT gồm: 1 dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bún khô Hưng Đạo; 3 dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho 3 sản phẩm (miến dong Án Lại, miến mỏ Tĩnh Túc, dao Phúc Sen); 1 dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Thạch đen Thạch An - Cao Bằng”. Đến nay, toàn tỉnh có 2 nhãn hiệu chứng nhận và 14 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ.
Hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu được chú trọng thông qua các hội chợ, hội thảo, truyền thông, tạo điều kiện đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường rộng lớn hơn. Năm 2024, kinh phí của địa phương bố trí cho hoạt động hỗ trợ phát triển TSTT gồm: đào tạo, tập huấn về SHTT; hỗ trợ bảo hộ, khai thác quyền SHTT cho các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN, hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương 1,65 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển TSTT còn nhiều trở ngại, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp và người dân về vai trò của SHTT còn hạn chế; sản phẩm chủ yếu mang tính thô sơ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít hàm lượng khoa học, dẫn đến chưa chủ động trong việc bảo hộ và khai thác TSTT. Nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên môn còn thiếu và yếu, phần lớn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu. Việc thực thi quyền SHTT, xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Mặt khác, do đặc thù lĩnh vực SHTT có tính chuyên môn cao, trừu tượng, hiệu quả mang lại chưa rõ ràng trong ngắn hạn; thủ tục bảo hộ phức tạp, mất nhiều thời gian. Công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt; doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu và khai thác TSTT. Ý thức bảo vệ quyền SHTT trong cộng đồng tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước, chưa chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư chiều sâu, phát triển hệ sinh thái TSTT vững mạnh, từ đó không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn khơi dậy tiềm năng sáng tạo và đổi mới trong toàn xã hội.