Tăng cường đào tạo, thay đổi tư duy của lao động nông thôn
Tăng cường công tác đào tạo nghề được đánh giá là chìa khóa để thay đổi tư duy sản xuất của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng hoạt động dạy nghề, đồng thời chủ động thành lập các HTX để tạo việc làm tại chỗ cho học viên.
Xác định rõ tôn chỉ hành động, những năm qua, xã Vĩnh Tường (Vị Thủy, Hậu Giang) đã tích cực phối hợp với ban ngành chức năng, HTX, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất.
Học nghề để đổi mới tư duy
HTX Tân Long, ấp Tân Long đang là một trong những đơn vị điển hình trong phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Vĩnh Tường, đặc biệt là hiệu quả trong công tác tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho thành viên, người lao động, nông dân liên kết.
Hiện, HTX Tân Long đang có 51 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích 59 ha. Nhờ sản xuất khoa học, sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” của HTX đã có tem truy xuất nguồn gốc, đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu.
Trong 3 năm trở lại đây, từ việc tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng lúa sạch, các thành viên của HTX Tân Long đang nắm chắc kiến thức, tự tin tổ chức mô hình sản xuất lúa hữu cơ với những quy trình nghiêm ngặt.
Điển hình, ông Châu Thanh Bạch, thành viên HTX Tân Long chia sẻ: "Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi nhanh chóng triển khai áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Điều này vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng vừa mang lại giá trị cao hơn cho cây lúa".
Theo ông Bạch, trong các khóa đào tạo, tập huấn nông nghiệp ngắn hạn của xã và huyện, ông và các thành viên HTX được học cách sử dụng máy móc thuần thục, cách khắc phục những sự cố cơ bản khi vận hành máy móc, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao hiệu quả.
Nhờ sản xuất khoa học, năng suất lúa của HTX Tân Long đạt trung bình 5,2 - 6,7 tấn/ha, chỉ thấp hơn sản xuất lúa vô cơ 0,5 - 0,8 tấn/ha nhưng giá thành bán ra cao hơn khoảng 500 đồng/kg, chi phí đầu tư cho 1 ha lúa cũng giảm 7-8 triệu đồng do sử dụng chất hữu cơ. Như vậy, tính bình quân, nông dân sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận gấp khoảng 1,2 lần so với lúa vô cơ.

Đào tạo nghề giúp lao động nông thôn thay đổi tư duy, sản xuất theo quy trình khoa học, nâng cao hiệu quả.
Cùng với việc đổi mới các chương trình đào tạo nghề theo hướng hiện đại để thay đổi tư duy trong sản xuất của lao động khu vực nông thôn, nhiều địa phương còn chủ động thành lập các HTX, tổ hợp tác để tạo việc làm tại chỗ sau dạy nghề.
Điển hình như trên địa bàn xã Long Thạnh (Giồng Riềng, Kiên Giang), một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất ở Giồng Riềng. Cuối năm 2019, sau thời gian mở lớp dạy nghề đan mỹ nghệ bằng dây nhựa, xã quyết định thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Cỏ Khía, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em phụ nữ tại địa phương.
Lập HTX để tạo việc làm tại chỗ
Chị Thị Mộng, Giám đốc HTX Cỏ Khía, cho biết HTX khởi đầu với 24 thành viên, 100% là phụ nữ dân tộc Khmer. Sự ra đời của HTX dựa trên nguyện vọng của chị em, với sứ mệnh trở thành đại diện pháp nhân tổ chức ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Cụ thể, HTX bên cạnh công tác đào tạo nghề cho thành viên, sẽ tập trung đầu mối để tiếp nhận các đơn hàng, sản phẩm của doanh nghiệp, sau đó phân phối cho thành viên, hộ liên kết thực hiện đan gia công. Và ngược lại, khi sản phẩm hoàn thành, HTX đứng ra thu gom, bàn giao lại cho doanh nghiệp.
Theo chị Mộng, trong 2 năm đầu tiên, mục tiêu của HTX chủ yếu là tập trung đan gia công các sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Khi đủ điều kiện, HTX sẽ chủ động liên kết với các HTX, tổ hợp tác trong và ngoài địa phương để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu riêng để bán ra thị trường.
Sau gần 2 năm thành lập, dù phải đối diện với không ít khó khăn, HTX đang cho thấy sự phát triển ổn định, làm ăn sòng phẳng với doanh nghiệp. Tất cả các thành viên đều nắm bắt kỹ thuật, có tay nghề cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng, vừa đáp ứng đơn hàng của đối tác, vừa được thị trường đánh giá rất cao.
Hiện, 100% thành viên của HTX đã thoát nghèo, thu nhập trung bình đạt 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. HTX còn dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục lao động trong và ngoài xã với mức lương ổn định trên 4 đồng/người/tháng.
Tương tự, ở xã Phú Cường (Định Quán, Đồng Nai), thời gian qua, một số hộ làm nghề khô cá ở ấp Bến Nôm 2 đã chủ động liên kết lại với nhau, thành lập Tổ hợp tác khô cá kìm sông nước Phú Cường để cùng làm nghề, dạy nghề và truyền nghề, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị kinh tế.
Sau nhiều nỗ lực của các thành viên, người lao động, Tổ hợp tác khô cá Phú Cường hiện đang hoạt động khá hiệu quả. Trong danh sách 31 sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đợt 1/2020 của Đồng Nai có sản phẩm khô cá kìm của Tổ hợp tác.
Hiện, cá kìm tươi được các thành viên Tổ hợp tác thu mua, làm sạch, phơi khô để bán. Những năm qua, sản phẩm cá kìm khô của Tổ hợp tác cung không đủ cầu nên nghề đánh bắt và làm khô cá kìm đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương.
Có thể thấy, hiệu quả của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp chính là điểm tựa quan trọng giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng kinh tế xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề dựa trên những lợi thế sẵn có, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho lao động.