Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và đăng ký thông tin thuê bao di động trên địa bàn toàn tỉnh

Thời gian qua, mặc dù các nhà mạng đã siết chặt hơn việc quản lý thông tin khách hàng nhưng số lượng các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác không có dấu hiệu thuyên giảm. Điều này không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người sử dụng điện thoại. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TRẦN THANH HÀ.

-Thưa ông! Xin ông cho biết kết quả của việc thực hiện Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ban hành ngày 24/4/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

-Thưa ông! Xin ông cho biết kết quả của việc thực hiện Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ban hành ngày 24/4/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

-Ngay sau khi Nghị định số 49/2017/ NĐ-CP (NĐ số 49) được ban hành, với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông đã phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị định này và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP; hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh triển khai thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân.

Đặc biệt, hằng năm thanh tra sở đã xây dựng, thực hiện kế hoạch và thanh tra, kiểm tra diện rộng, đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh, cung cấp, sử dụng và quản lý trong lĩnh vực thuê bao di động trả trước với nội dung liên quan quản lý thông tin thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo các quy định tại: NĐ số 49; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (NĐ 15) ngày 3/2/2020 của Chính quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 15.

Tin nhắn rác và các cuộc gọi từ số điện thoại lạ gây phiền toái cho người sử dụng điện thoại -Ảnh: T.L

Tin nhắn rác và các cuộc gọi từ số điện thoại lạ gây phiền toái cho người sử dụng điện thoại -Ảnh: T.L

Trong năm 2023, sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất nhiều lần trên diện rộng về quản lý thuê bao di động trên địa bàn. Thông qua công tác này đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và cá nhân vi phạm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 40 triệu đồng. Việc xử phạt góp phần răn đe những hành vi của người tiêu dùng không đúng với quy định của pháp luật.

- Theo phản ánh của người dân, các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo chưa giảm sau khi đã triển khai xác thực thông tin cá nhân thuê bao. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

-Tính đến thời điểm ngày 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 84.200 thuê bao cần chuẩn hóa thông tin, trong đó đã chuẩn hóa 66.533 thuê bao, đạt tỉ lệ 79%, hơn 9.500 thuê bao hủy thông tin.

Nguyên nhân tình trạng sim rác vẫn chưa chấm dứt hẳn là vì theo quy định, một cá nhân có thể đăng ký được nhiều SIM (từ thuê bao thứ 4 trở lên, cá nhân phải ký hợp đồng với nhà mạng). Vì vậy, một cá nhân có thể được sở hữu nhiều SIM. Sau khi chuẩn hóa thông tin, các SIM thuê bao có đầy đủ thông tin theo đúng quy định, nên sẽ hoạt động bình thường. Do đó, các nhà mạng không kiểm soát được đó là SIM chính chủ hay không (sau khi đăng ký) và được buôn bán, tiêu thụ trên thị trường như thế nào. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng một số đại lý sử dụng thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt và tiêu thụ SIM kích hoạt trước.

Hiện nay xuất hiện một số đối tượng lợi dụng công nghệ cao sử dụng các trạm thu phát sóng (BTS) giả, lưu động để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn với mục đích lừa đảo; sử dụng phần mềm chuyên dụng, kết nối với các thiết bị gắn được nhiều SIM để thực hiện các cuộc gọi tự động nhằm lấy thông tin nếu người dùng làm theo yêu cầu…

Tình trạng dùng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật như cá độ bóng đá, mại dâm… diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, cuộc gọi rác không chỉ được thực hiện qua SIM điện thoại mà còn được phát tán từ nhiều hình thức như tổng đài đăng ký với nhà mạng và ứng dụng OTT (Over The Top-giải pháp cung cấp nội dung như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa trên việc tận dụng không gian rộng lớn Internet), nhất là các ứng dụng OTT xuyên biên giới.

Các nhóm lừa đảo cũng đang chuyển sang dùng nền tảng OTT thay cho cuộc gọi từ SIM số truyền thống. Các dịch vụ OTT xuyên biên giới cho phép mua bán tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam. Gần đây, phần mềm tự động trên máy tính cũng nở rộ, tự động gọi và phát nội dung ghi âm đến khách hàng.

-Trước thực trạng đó, đề nghị ông cho biết một số giải pháp của cơ quan chức năng nhằm góp phần bảo vệ người sử dụng điện thoại được an toàn hơn trước vấn nạn cuộc gọi và tin nhắn rác?

-Cuộc gọi và tin nhắn rác đã có từ rất lâu nhưng kể từ sau COVID-19, những cuộc gọi lừa đảo bùng phát mạnh mẽ. Những cuộc gọi này không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người sử dụng điện thoại, vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác.

Vừa qua, Bộ TT&TT đã tìm ra giải pháp hiệu quả để ứng phó với những đối tượng vận hành trạm BTS giả. Cụ thể, Bộ TT&TT phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an nhận biết, khoanh vùng khi có trạm BTS giả hoạt động.

Sau đó, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sẽ sử dụng thiết bị định vị để xác định chính xác vị trí của các trạm BTS giả và phối hợp Bộ Công an bắt giữ tại chỗ.

Ngoài ra, ngày 17/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đây là cơ sở pháp lý để ngành thông tin và truyền thông xây dựng thông tư hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động của ngành, cũng là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm.

Đối với địa bàn của tỉnh, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua và sử dụng SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao.

Hướng dẫn người dân đăng ký chính chủ cho thuê bao để bảo đảm các quyền lợi chính đáng, được pháp luật bảo vệ và nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và đăng ký thông tin thuê bao di động trên địa bàn toàn tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe các trường hợp đăng ký sai, đăng ký không đúng thông tin, phát tán và buôn bán SIM rác.

Để phòng tránh việc lừa đảo, người dân nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng, đặc biệt là không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ các số lạ.

Người dân khi nhận được các ứng dụng, tin nhắn, đường link lạ… nên cảnh giác, tuyệt đối không truy cập, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu để đề phòng bị đối tượng xấu đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, đồng thời cần thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Đề nghị người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ phối hợp tốt với các nhà mạng, cập nhật thông tin chính xác của người sử dụng SIM thuê bao khi nhận được thông báo của nhà cung cấp dịch vụ nhằm góp phần cùng với Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng việc đăng ký thông tin thuê bao các giai đoạn trước đây phục vụ mục đích xấu; sử dụng số thuê bao mang tên người khác, ẩn danh để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.

-Xin cảm ơn ông!

Tú Linh(thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-viec-quan-ly-va-dang-ky-thong-tin-thue-bao-di-dong-tren-dia-ban-toan-tinh/179010.htm