Tản văn: Đời cọ

Cọ mọc khắp các cánh rừng quanh bản của người Tày ở huyện Phú Lương, Định Hóa, một phần huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên.

Minh họa/INT.

Cọ mọc khắp các cánh rừng quanh bản của người Tày ở huyện Phú Lương, Định Hóa, một phần huyện Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên. Từ thời kháng chiến chống Pháp, cọ kết thành rừng che chở cho bộ đội hoạt động vùng chiến khu, cọ đi vào áng văn thơ, câu then, lời lượn cọi. Cây cọ chậm lớn nhưng cứng cáp từ bé, gốc xù xì, cuống lá nhiều gai nhọn.

Lũ trẻ đi chăn trâu thường đeo phẻn dao bên hông để chặt những tàu lá cọ nhỏ trải chỗ nằm trên rừng, nghe tiếng mõ va vào thung lốc cốc, mê mải ngắm nền trời xanh có những đám mây trắng đủ hình thù đuổi nhau về hướng núi Hồng.

Lá cọ bện thành chiếc giỏ xinh xắn để đựng măng nứa, đựng ổi, sim, trám đen, trám xanh, ốc bắt được trong khe suối, ngoài ruộng đồng. Lá cọ cắt thành từng mảnh gói cơm nắm đi nương hái chè, đi rừng lấy củi, kiếm lá thuốc, ấm bụng người khoác tay nải đi buôn bước bộ đường dài.

Lá cọ làm chổi quét nhà, quét sân, làm tấm chắn cho chiếc loỏng đập lúa. Lá cọ cắt vát làm cái quạt cầm tay phe phẩy cơn nóng bức của mùa Hè. Lá cọ che cho người hái chè khỏi ướt khi cơn mưa bóng mây ngang qua. Vào dịp cuối năm, lá cọ nở to bằng cái nia màu xanh bóng, bà con trong bản lên rừng chặt về phơi để lợp nhà. Nhà sàn năm gian lợp lá cọ mấy chục năm mới phải thay thế.

Nhà sàn lợp lá cọ mùa Đông ấm, mùa Hè thì mát, mưa đá dội xuống khô khốc cũng không hề hấn gì, còn nhà lợp tấm lợp hay ngói nung, bắn tôn đều bị hỏng hết. Các bà, các mẹ còn lựa lá cọ mỏng đem khâu làm chiếc nón kết hoa làm duyên cho con gái, đan mũ cọ cho đàn ông.

Nón cọ của người Tày ở vùng Định Hóa được nhận xét là bền, đẹp, mặt trong đan mắt cáo kỳ công, mặt ngoài xếp lá cọ đã được lựa chọn kỹ càng cho nên dùng được lâu và có nét riêng. Cuống lá cọ tươi được bà con đem về chẻ nan lấy phần cật phơi khô để vót đan mành.

Minh họa/INT.

Nghề đan mành cọ đã giúp nhiều gia đình người Tày ở các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Bình Yên, huyện Định Hóa có thu nhập ổn định. Khi già, cọ bắt đầu có quả. Không phải quả cây cọ nào cũng ăn được, thường thì người ta sẽ chọn được cây cọ nếp để thu hoạch. Quả cọ chín già, kiểm tra thấy lòng vàng ráng mỡ gà thì đem về ỏm nhừ để ăn, nghiền làm xôi cơm nếp cọ.

Các cụ ngày xưa còn ép quả cọ lấy làm dầu rán thay mỡ lợn, mỡ gà, làm dầu thắp sáng phục vụ sinh hoạt ban đêm hồi chưa có điện. Ngày nay, quả cọ trở thành món quà giản dị gửi về các thành phố lớn cho những người xa quê có cơ hội được thưởng thức, ngắm quả cọ xanh tím sẫm trên tay mình mà mắt bỗng rưng rưng nhớ lại tuổi thơ êm đềm ở miền đất trung du đồi cọ nương chè.

Ngày còn túng thiếu, phần lõi non của cây cọ còn được các bà đem về xắt nhỏ làm thức ăn mà không biết rằng đây cũng là một bài thuốc bổ dưỡng đã được ghi trong sách Đông y. Thân cọ cứng cáp, khi ngả xuống, bà con xẻ ra làm dui, mè dựng nhà, làm cầu bắc qua suối, làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Một số nơi ở huyện Đại Từ, Định Hóa, bà con làm đũa ăn từ thân cây cọ. Loại đũa này nhẹ, thẳng bóng, có những đường vân rất đẹp mắt. Một số cây cọ già vẫn đứng trân giữa trời chờ các cây cọ nhỏ vươn lên được bốn năm lá mới chịu gục đầu xuống sau vài cơn mưa dầm.

Trời oi nồng, những cô bé, cậu bé mới lớn rủ nhau vác búa, cầm dao lên đồi ghé tai vào các khúc cọ đã chuyển màu nghe tiếng sột soạt sột soạt trong thân cây để tìm nơi sinh sôi của con đuông cọ ngọ nguậy, béo múp. Lưỡi búa bổ vào thân cọ không cần nhiều lực đã bẩy sang một bên đã thấy một bầy vàng vàng lúc nhúc.

Đuông cọ đem về rán trong chảo mỡ nóng già kèm lá chanh thái nhỏ, thêm xả, ớt. Khi ăn lấy lá lốt cuộn chấm nước mắm tỏi. Tuy nhiên, vì có nhiều chất bổ nên một số người dễ bị dị ứng. Lên các bản làm du lịch ở Thái Nguyên mùa đuông cọ, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản này nếu có yêu cầu.

Cây cọ ở Thái Nguyên gắn liền với ký ức của nhiều người được sinh ra, lớn lên hay đã từng gắn bó với mảnh đất này. Những người già ở đây vẫn mong muốn giữ được rừng cọ cho con cháu trước nguy cơ có thể bị thay thế bởi cây lâm nghiệp ngắn ngày.

Đời cọ đã phục vụ cho con người, tô điểm nương chè xanh mướt, lặng lẽ và kiên cường trước mưa rừng, gió rét, yêu nắng trung du sắc đặc, sánh như nước trà sớm cho thắm biếc thêm những mặt trời non. Đời cọ là cả tập thơ tình.

Hoàng Thị Hiền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-doi-co-post667364.html