Tân Thủ tướng Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản
Ông Kishida Fumio sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Gia đình ông có thể gọi là 'trâm anh thế phiệt', khi cha ông từng là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngày 4/10, Chủ tịch Đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP), Nhật Bản, ông Kishida Fumio đã giành số phiếu cao trong cuộc bầu tại Quốc hội, chính thức trở thành tân Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản. Tân Thủ tướng cũng đã hoàn tất công bố danh sách Nội các mới, với quyết tâm cải tổ, thúc đẩy một xã hội mới vì nhân dân.
Kinh nghiệm chính trường phong phú
Ông Kishida Fumio sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Gia đình ông có thể gọi là “trâm anh thế phiệt” khi Bố ông từng là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Nội là Hạ nghị sĩ trước và sau thời chiến tranh. Anh của ông từng là Bộ trưởng kinh tế và sản nghiệp Nhật Bản.
Thời tiểu học từ năm lớp 1 đến lớp 3, ông Kishida đã học tại NewYork, Mỹ do Cha ông làm việc tại đây. Tháng 6/1966 ông trở về nước. Năm 1973 theo học tại trường Phổ thông trung học Kaisei, có nhiều thành tích trong bộ môn bóng chày. Sau này bóng chày là môn thể thao ông yêu thích. Ông Tốt nghiệp chuyên ngành pháp lý Đại học Waseda. Sau khi ra trường, ông Kishida trở thành nhân viên tại một ngân hàng ở Tokyo.
Năm 1993, lần đầu tiên ông trở thành ứng cử viên của đảng Tự do Dân chủ tham gia vào cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 40 và trúng cử. Sau đó, liên tiếp 9 kỳ bầu cử, ông đều là trúng cử. Năm 2015 ông là Bộ trưởng Ngoại giao, và tháng 7/2017 là Bộ trưởng Phòng vệ, sau đó là Trưởng Ban nghiên cứu chính sách của đảng LDP. Tháng 9/2020, ông từng tham gia tranh cử Thủ tướng Nhật Bản khi ông Abe Shinzo từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Nhưng may mắn không mỉm cười với ông khi số phiếu của ông thấp hơn ông Suga Yoshidide khá nhiều.
Ông Kishida là người được cho là có lối sống lành mạnh và giản dị. Ông có sở thích là tham gia vào mạng xã hội. Ông cũng lập trang web riêng và dùng Twitter. Trên trang cá nhân này, ông đăng những quan điểm, chính sách của mình, nhất là khi tham gia tranh cử, hàng loạt các chính sách được đăng và nhận được sử ủng hộ của nhiều người dân và chính khách Nhật Bản.
Trong thời gian, ông làm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Phòng vệ, ông cũng đã có nhiều cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam. Ông cũng là người có cảm tình đặc biệt với Việt Nam.
Chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản
Ông Kishida Fumio trong đợt tranh cử, đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện. Và những điều này, ông cam kết sẽ thực hiện trong thời gian ông là Thủ tướng.
3 cam kết đó là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; hướng tới xã hội chia sẻ.
3 chính sách là: Dồn sức thực hiện chính sách ngăn ngừa đại dịch Covid-19; hình thành chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; chính sách đảm bảo an ninh- ngoại giao.
Về khái niệm chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản, xét từ góc độ phương pháp luận còn nhiều điều phải bàn, nhưng nó được chuyển đổi từ chủ nghĩa tự do mới, cụ thể là hài hòa giữa tăng trưởng và phân phối. Chính xác hơn là nếu không có tăng trưởng thì sẽ không có phân phối, nhưng đồng thời với nó, nếu không có phân phối thì tiêu dùng, nhu cầu cũng không xuất hiện. Và ngược lại, nếu không có phân phối, thì tăng trưởng cũng không tồn tại.
Theo ông Kishida Fumio, chính sách mang tính chủ nghĩa tự do mới bao gồm việc nới lỏng các qui định, qui chế và cải cách sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Do đó, việc hình thành Chủ nghĩa tư bản kiểu mới mang hình thái Nhật Bản dựa trên hài hòa giữa tăng trưởng và phân phối là vô cùng cần thiết. Từ đó, chiến lược tăng trưởng làm cho nhân hạnh phúc và chính sách phân phối nhằm nâng cao thu nhập sẽ được ông Kishida xúc tiến trong thời gian tới.
Cụ thể, trong tăng trưởng, ông Kishida Fumio sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính là: thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ; đảm bảo an ninh kinh tế, mà cụ thể nhất là một Bộ trưởng mới phụ trách anh ninh kinh tế đã được bổ nhiệm; cấu thành quốc gia công nghệ số; xóa bỏ bất an trong xã hội có nhiều người già trên 100 tuổi.
Trong phân phối cũng dựa trên 4 trụ cột, hay còn gọi là “4 trụ cột Kishida”, đó là: nền kinh tế không phân biệt; hỗ trợ phí nhà ở và học phí; tăng thu nhập; phân phối công bằng.
Như vậy, có thể còn quá sớm để nói tới hiệu quả của hình thái xã hội này, nhưng rõ ràng Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn mới với con đường mới, hướng tới một xã hội hạnh phúc.
Áp lực và cơ hội thành công
Đối với các vấn đề trong nước, tân Thủ tướng với những chính sách đã đưa ra, trên thực tế phải làm sao thực hiện tốt các giải pháp liên quan đến khống chế dịch Covid-19 với những biến thể mới, đảm bảo nguồn vaccine, thúc đẩy tiêm chủng đúng tiến độ, từng bước bình thường trở lại các hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Cũng giống như các nước khác, doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian vừa qua, nên việc khôi phục lại hoạt động, doanh thu đòi hỏi thời gian không chỉ 1-2 năm, thậm chí dài hơn thế.
Trong thời gian qua, những chính sách liên quan đến chuyển đổi số, đảm bảo phúc lợi cho người già cũng bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch. Do vậy, tân Thủ tướng theo truyền thống cũng không thể không để ý đến những chính sách của người tiền nhiệm, nên phải tập trung thúc đẩy. Và điều này cũng đã nằm trong những việc tân Thủ tướng phải làm, khi ông bổ nhiệm một Nữ Bộ trưởng phục trách vấn đề kỹ thuật số.
Về mặt đối ngoại, tân Thủ tướng Kishida Fumio sẽ thúc đẩy 3 trụ cột chính là: bảo vệ chủ nghĩa dân chủ; bảo vệ hòa bình, ổn định của Nhật Bản; hợp tác với cộng đồng quốc tế vì con người và tương lai.
Trong bảo vệ chủ nghĩa dân chủ, nhiệm vụ chính là duy trì và phát triển chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua mạng lưới các nước đồng minh, đảm bảo an ninh kinh tế bao gồm duy trì vị trí của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác với cộng đồng quốc tế, hướng tới đảm bảo cung cấp ổn định chất bán dẫn.
Trong hợp tác với cộng đồng quốc tế vì con người và tương lai, nhấn mạnh tăng cường với các nước Âu Mỹ tạo khung pháp lý về lưu thông dữ liệu tự do và tin tưởng nhằm ngăn chặn việc độc quyền dữ liệu, chủ đạo trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Như vậy, ông Kishida Fumio chắc chắn sẽ theo đuổi chính sách tăng cường quan hệ với Mỹ trên nhiều lĩnh vực trong đó tập trung vào hợp tác kinh tế và giải quyết vấn đề lớn của quốc tế như vấn đề Triều Tiên. Điều này cũng sẽ gắn với thực hiện hình thái xã hội mới.
Như chúng ta đã biết, trong chưa đầy một năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đầu tư rất nhiều nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ cá nhân tin tưởng với người tiền nhiệm của ông Kishida Fumio là ông Suga Yoshihide, đồng thời củng cố liên minh với Nhật Bản trong bối cảnh Washington tăng cường sự tập trung cho khu vực. Bất chấp dịch bệnh, quan hệ Nhật-Mỹ được thúc đẩy khi ông Suga đã có 2 lần thăm Mỹ với những cam kết về nhiều vấn đề mà nổi bật là thúc đẩy hợp tác Nhật-Mỹ-Australia-Ấn Độ hướng tới thực hiện khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hạn chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Do đó, tân Thủ tướng Kishida Fumio rõ ràng phải chuẩn bị cho kế hoạch hợp tác với Mỹ sau này ra sao ngược lại đòi hỏi Mỹ giờ đây lại phải chuẩn bị cho một mối quan hệ mới. Đó là điều mà đều gây mất thời gian cho 2 bên.
Trong khi đó, các vấn đề về tính liên tục và ổn định đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Washington, bởi ông Suga Yoshihide đã viết tiếp tên mình vào một danh sách dài các nhà lãnh đạo Nhật Bản ra đi chỉ sau khoảng một năm tại vị. Sự xáo trộn bất ngờ trên chính trường Nhật Bản đã làm Mỹ đặt câu hỏi về khả năng nảy sinh các bất ổn chính trị, những chuỗi lãnh đạo ngắn hạn sau các giai đoạn cầm quyền dài hạn của nhiều Thủ tướng trước đây.
Từ thời ông Kishida Fumio là Ngoại trưởng cho đến khi tham gia tranh cử Thủ tướng, ông đều bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và kinh tế. Do đó, việc tham gia vào thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hay tích cực hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điều gần như chắc chắn. Quan điểm của Nhật Bản không mấy ủng hộ việc xin gia nhập TPP của Trung Quốc gần đây.
Ông Kishida Fumio đã từng thăm Việt Nam nhiều lần, tự nhận mình là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông cũng từng giữ chức Tổng thư ký Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật, Tổng thư ký Hội đồng thúc đẩy giao lưu kinh tế Việt-Nhật. Việt Nam đã tặng ông Huân chương hữu nghị vì những đóng góp tích cực cho phát triển quan hệ hai nước. Những điều này, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lại được tăng cường phát triển ở mức cao hơn.
Có một số dư luận cho rằng Nhật Bản sắp tới không có nhiều thay đổi, nhưng với những chính sách cụ thể mà tân Thủ tướng đưa ra, hy vọng sẽ có nhiều cải cách và một xã hội thật sự hạnh phúc sẽ tồn tại ở Nhật Bản./.