Tầm vóc một nghệ sĩ đa tài

Là một trong những người thường xuyên ở bên Văn Cao cả trong công việc và trao đổi về văn, thơ, nhạc, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc NGUYỄN THỤY KHA nhận xét, Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, thông tỏ rất nhiều điều và cũng quan tâm đến nhiều chuyện của đất nước.

- Lần đầu tiên ông gặp nhạc sĩ Văn Cao như thế nào?

Nhà thơ, nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA. Ảnh: ND

- Tôi không bao giờ quên buổi chiều cuối thu năm 1982 ở quán Tiên Điền, gần ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung, Hà Nội, đối diện với Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật hiện nay. Trong không gian mờ mờ ẩm tối, tôi đã lần đầu tiên được gặp Văn Cao. Cuộc gặp gỡ do Đặng Đình Hưng sắp xếp theo yêu cầu của Văn Cao.

Hôm đó Đặng Đình Hưng bảo tôi, đại loại Văn Cao đòi bố trí gặp tôi, vì rất thích Những giọt mưa đồng hành. Những giọt mưa đồng hành là bài thơ tôi được giải cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1981 - 1982. Tôi nghe Đặng Đình Hưng nói mà gai người. Văn Cao thì tôi ngưỡng mộ đã lâu. Vậy mà bây giờ tôi lại được chính Văn Cao yêu cầu gặp. Hạnh phúc ập đến lớn quá, nên tôi hồi hộp chờ đợi buổi chiều này.

Khi tôi bước vào, Văn Cao đứng lên ôm tôi thật chặt, rồi vỗ vỗ vào lưng tôi. Một cái gì đó như nhân duyên mách bảo tôi sẽ gắn bó với con người này đến tận cùng. Thế là tôi cùng Văn Cao và Đặng Đình Hưng cụng chén. Chuyện đủ thứ trên đời. Hóa ra Văn Cao quan tâm đến nhiều chuyện của đất nước. Ông rất vui khi kể chuyện đi Cộng hòa Dân chủ Đức tham quan cùng nhạc sĩ Đàm Linh với tư cách tác giả Quốc ca Việt Nam. Đến khi mềm môi thì tôi lần đầu tiên được nghe Văn Cao đọc thơ. Thơ ông thật lạ: Người đi dọc biển/ Không để lại dấu chân. Ấn tượng câu thơ này khiến mười năm sau khi viết tiểu thuyết chân dung về ông, tôi đã lấy tên là Văn Cao - Người đi dọc biển.

- Nhiều người chỉ biết đến Văn Cao - nhạc sĩ, nhưng như ông vừa nói, còn có một Văn Cao - thi sĩ cũng ấn tượng không kém?

- Người ta sẽ còn mãi mãi lạ lùng, không thể lý giải vì sao mới 16 tuổi đời, Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên Buồn tàn thu. Còn ngạc nhiên hơn khi 18 tuổi, Văn Cao đã bay lên Thiên thai cùng thể loại âm nhạc trường ca khiến cho tân nhạc thuở bình minh làm ta xao xuyến mãi đến tận bây giờ. Cũng con người ấy với Cung đàn xưa, Thu cô liêu, Suối mơ, Bến xuân bảng lảng khói sương thì lại chợt bùng cháy trong nhịp hành khúc rắn rỏi, sử thi như Thăng Long hành khúc ca, Đống Đa... Chính Tiến quân ca được viết vào mùa đông 1944 đã là cái mốc chuyển đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo âm nhạc Văn Cao. Đấy là lời đoạn tuyệt với âm nhạc lãng mạn để bước sang địa hạt âm nhạc cách mạng, một hành trình vụt lớn như Phù Đổng trong 6 mùa thu.

Với âm nhạc là thế, nhưng tôi còn bất ngờ có một Văn Cao thơ. Tập Giai phẩm mùa xuân năm 1956 anh tôi mang về từ Hà Nội có in bài thơ Anh có nghe không của Văn Cao. Tôi còn nhỏ, đọc chưa hiểu, chỉ thấy một Văn Cao đa tài. Rồi sau đó, anh tôi còn mang về tập thơ in chung Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, mà phần của Văn Cao là trường ca Những người trên cửa biển. Còn trên báo Văn Nghệ những năm dài sau đó, tôi lại được chiêm ngưỡng những minh họa của Văn Cao.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1993. Ảnh: Dương Minh Long

- Được biết ông từng biên tập thơ cho Văn Cao?

- Năm 1986, Văn Cao yêu cầu tôi biên tập thơ ông thành một tuyển tập. Nhìn ông lôi từng cuốn sổ tay nhỏ, chữ viết li ti từ trong hốc tủ đã phủ bụi tôi thấy mắt mình cay cay. May là năm đó tôi được cơ quan cho nghỉ sáng tác nên thoải mái thời gian chìm đắm trong thế giới thơ Văn Cao.

Hóa ra suốt những năm dài sau 1956, ngoài các tiểu phẩm piano Sông tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa, nhạc cho kịch và phim, tổ khúc giao hưởng Anh bộ đội Cụ Hồ (viết theo đơn đặt hàng của xưởng phim Quân đội), rồi hành khúc Dưới cờ giải phóng (viết theo đơn đặt hàng của giáo sư Nguyễn Văn Hiếu) cùng Đường dây qua bản Mèo cho Tổng cục Bưu điện, hợp xướng Hải Phòng mở ra biển lớn (viết theo đơn đặt hàng của Đoàn Văn công Hải Phòng 1973), Văn Cao còn âm thầm viết tập thơ Những trăng trắng.

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc Năm buổi sáng không có trong sự thật. Nó khiến tôi chỉ muốn bái phục ông. Rồi những bài thơ chân dung tặng bạn bè như Đôi bạn tặng Nguyễn Tuân, Phố Phái tặng Bùi Xuân Phái, Đêm quán tặng Nguyễn Sáng… Tuy nhiên để cập nhật với đương đại nhiều bài cần cắt gọt, tỉa tót. Tất cả những chuyện đó, giữa tôi và ông đều có sự bàn bạc, tính đi tính lại thật kỹ lưỡng. Và hay nhất là ông luôn đồng ý với những đề xuất của tôi. Ví dụ câu thơ: Em ở lại cho mùa xuân náo nức, tôi nghĩ mãi, bàn với ông, đổi “náo nức” thành “náo níu”. Ông đập tay xuống bàn: “Hay lắm!”. Và câu thơ thành Em ở lại cho mùa xuân náo níu, rất Văn Cao.

Biên tập một năm thì xong. Tôi đã viết bài giới thiệu Văn Cao - Một bản lĩnh thơ. Ông rất thích. Khi tập thơ được tôi chép lại sạch sẽ cùng bài giới thiệu, ông đặt tên nó là với mấy câu thơ đề từ: Ở rẻo cao lá xà nu gọi mưa/ Ở rừng sâu lá thùy dương gọi suối/ Ở biển xa lá phi lao gọi mặt trời.

- Một thời gian dài làm việc, trao đổi với Văn Cao, ông ấn tượng gì về con người và tác phẩm của Văn Cao?

- Càng gần Văn Cao, tôi càng thấy ngỡ ngàng về tầm vóc của một bậc tài danh khi ông thông tỏ rất nhiều điều. Câu chuyện thơ - nhạc - họa luôn là chủ đề của những lần chia sẻ giữa chúng tôi. Đấy là những bài học vô giá mà tôi đã nhận được từ ông. Nhận và ngộ dần. Có lẽ bản năng “trời cho” của ông đã gặp âm nhạc, thi ca và hội họa để cùng thăng hoa, làm nên một Văn Cao rất riêng và độc đáo.

Ngạc nhiên là, trong con người ấy tưởng chừng toàn phần là lãng mạn, là nghệ sĩ thì lại có thêm một hiệp sĩ với tài phi dao, bắn súng ngoạn mục. Không ai không nể phục đội viên Đội danh dự Việt Minh Văn Cao đã hạ sát tên Việt gian thân Nhật Đỗ Đức Phin ở Hải Phòng, bắn xượt tên tay sai Võ Văn Cầm, lùng sục Cung Đình Vận ở làng Lủ, Hà Nội... Nhưng đến khi ý thức được sức mạnh của văn nghệ, Văn Cao lại trở về góp thêm sức mạnh đó cho nghệ thuật nước nhà, để có một Văn Cao đa tài của hôm nay và mãi sau này.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tam-voc-mot-nghe-si-da-tai-i349775/