Tầm nhìn với di tích

Không riêng Đồng Nai, TP HCM cũng đối diện bài toán di tích khi trong cuộc họp báo kinh tế - xã hội cuối tuần qua, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đã nhắc tới...

"100 năm nữa, nếu nơi ở của tôi vẫn thế này thì liệu có được ghi nhận là kiến trúc tiêu biểu của một thời kỳ và được tính toán bảo tồn? Nếu được thì 2 thế kỷ nữa sẽ thế nào?" - Bạn của người viết chỉ vào ngôi nhà lớn rồi hỏi, sau khi rời mắt khỏi bản tin tỉnh Đồng Nai tính phương án cho nhà lầu ông Phủ, nơi dự án đường ven sông đi qua.

Từ câu hỏi trên, chuyện ứng xử với công trình cổ được nhắc tới. Bởi lẽ, không riêng Đồng Nai, TP HCM cũng đối diện bài toán di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của nhà văn hóa Vương Hồng Sển khi trong cuộc họp báo kinh tế - xã hội cuối tuần qua, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đã nhắc tới.

Theo đó, nếu với nhà lầu ông Phủ, 4 phương án khá tốn kém và ảnh hưởng tới sự hình dung về đô thị được tính thì nhà cổ của nhà văn hóa Vương Hồng Sển còn loay hoay trong vòng kiện tụng.

Từ chuyện kiện tụng, công trình này thiếu sự chăm chút; việc tu bổ, phục hồi và trưng bày chưa thể triển khai.

Hai công trình khoác màu áo rêu phong của thời gian nêu trên dường như gặp chung ở vấn đề liên quan tầm nhìn tổng thể về thời điểm công nhận giá trị của chúng. Vì nếu xác định gìn giữ, các kế hoạch về phát triển kinh tế, giao thông, vấn đề pháp lý… phải được dự liệu và giải quyết từ trước.

Đó phải là bài học kinh nghiệm để ngành quản lý văn hóa các tỉnh, thành cũng như trung ương rút ra trong công tác công nhận di tích/di sản về sau, nhằm tránh những khúc mắc, tốn kém và rắc rối không đáng có.

Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi ở phần đầu bài viết…

Ngọc Kỳ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tam-nhin-voi-di-tich-196240929200917213.htm