Tầm nhìn toàn cầu từ ASEAN
Ngày 16-10-1978, phái đoàn Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến thăm Singapore.
Đây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của đại diện đất nước Việt Nam thống nhất. Vào thời điểm này, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới có 5 thành viên là Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, còn Việt Nam vẫn là dấu chấm hỏi đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại buổi dạ tiệc ở Dinh Tổng thống Istana chiêu đãi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Lý Quang Diệu bày tỏ thái độ lạc quan về tương lai của ASEAN, cùng những cơ hội tăng cường tình hữu nghị và khả năng hợp tác.
Ông Lý cho biết Singapore cảm thấy khích lệ khi được biết trước đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo các nước ASEAN tại Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và Kuala Lumpur (Malaysia), với thông điệp hòa bình, ổn định trong khu vực và mục tiêu phát triển kinh tế.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá cao những thành tựu trong kiến thiết kinh tế dưới sự lãnh đạo của ông Lý. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ muốn học hỏi kinh nghiệm của Singapore trong xây dựng kinh tế, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối liên kết hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Singapore.
Là 1 trong 5 quốc gia thành viên sáng lập ASEAN, nhưng xét về phương diện địa lý Singapore chỉ là đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên với thương mại tự do và kinh tế mở hướng đến xuất khẩu. Vì thế, Singapore luôn hết sức chủ động trong việc thúc đẩy sự mở rộng và phát triển của ASEAN.
Theo nhìn nhận của Ong Keng Yong, một quan chức ngoại giao mang hàm đại sứ của Singapore và đã từng giữ chức vụ Tổng Thư ký ASEAN (2003-2008), Singapore đã tích cực đóng góp cho việc phát triển ASEAN thành định chế liên chính phủ ở tầm vóc khu vực, đồng thời dùng ASEAN như “bệ phóng” để triển khai các mục tiêu chính sách cụ thể cho việc phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của mình.
ASEAN được thành lập ngày 8-8-1967, đúng 2 năm sau khi Singapore trở thành quốc gia độc lập sau khi tách khỏi Liên bang Malaysia vào ngày 9-8-1965. Theo GS. S Jayakumar, cựu Phó Thủ tướng và đã từng làm Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, ASEAN là phương tiện hữu ích cho phép Singapore mở rộng không gian kinh tế và ngoại giao.
Trong những năm 1980, những nỗ lực cho việc hình thành Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và sau đó đưa ra Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) năm 1993, đã giúp Singapore tăng cường vị thế kinh tế của mình. ASEAN cho phép Singapore giữ vai trò lớn hơn so với tầm vóc địa lý bé nhỏ và sức nặng chiến lược của mình, có cơ hội thể hiện vai trò năng động và tích cực, không bị hạn chế về quy mô của một đảo quốc.
Thật vậy, ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt với Singapore và sự ổn định của đảo quốc Sư tử tùy thuộc rất nhiều vào những nguyên tắc được các quốc gia thành viên thống nhất, như không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau, cam kết và trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Rất nhiều định chế hợp tác của ASEAN được hình thành nhờ những sáng kiến của Singapore.
Có thể kể đến việc mở rộng tầm vóc của ASEAN thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latin (FEALAC) và Diễn đàn Đối thoại châu Á – Trung Đông (AMED), hay những hoạt động nhằm tăng cường sự đoàn kết nội bộ như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN (ASEAN Ministerial Retreat).
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Hội nghị về thương mại và phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), vốn đầu tư vào ASEAN đã tăng 3 năm liên tục với tỷ lệ 11,5% trong năm 2018, đạt con số kỷ lục 155 tỷ USD, trong đó hơn 50% dòng vốn chảy vào Singapore. Vị thế chiến lược của Singapore cùng với cơ sở hạ tầng về môi trường pháp lý, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đã thu hút người tài đến làm việc. Từ Singapore, các doanh nghiệp có thể hướng đến một thị trường ASEAN năng động với 600 triệu dân.
Theo thông tin chính thức từ Cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), hiện có khoảng 37.400 công ty quốc tế đang hoạt động trên đảo quốc Sư tử, trong đó có 7.000 tập đoàn đa quốc gia (MNC), hơn một nửa trong số này dùng Singapore làm tổng hành dinh khu vực để điều hành các giao dịch kinh doanh và đầu tư ở các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Theo khảo sát mới đây được thực hiện bởi Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ) và Trường Kinh doanh IESE thuộc Đại học Navarra (Tây Ban Nha), Singapore vẫn luôn được khẳng định là trung tâm kinh doanh của ASEAN. Vai trò trung tâm này sẽ cho phép Singapore hưởng lợi từ việc tiếp tục thực hiện các sáng kiến được quy định trong Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025, nhằm cải thiện hậu cần, hài hòa các quy định, giảm hàng rào phi thuế quan, cải thiện khả năng di chuyển của người dân.
Hiện nay chính phủ Singapore tiếp tục đưa ra những sáng kiến tích cực và chủ động. Đó là kế hoạch xây dựng vị thế của Singapore là điểm nút phục vụ cho toàn châu Á (Global-Asia Nod) về công nghệ, đổi mới và doanh nghiệp, song song với ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0 (4IR). Kế hoạch này nhằm quảng bá Singapore với hình ảnh của một “Asia 101”, phục vụ nhu cầu của các MNC đang tìm cách mở rộng sang các thị trường đang phát triển của châu Á, và một “Global 101” giúp doanh nghiệp châu Á sẵn sàng vươn ra thị trường toàn cầu.
Singapore, tháng 12-2019
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tam-nhin-toan-cau-tu-asean-76069.html