Tâm nguyện cuối đời của NSND Tường Vi

'Tôi nhớ có lần bà thấy mấy cơ sở bỏ không, bà tính hay là mình xin vào đây mở lớp dạy cho trẻ. Thấy cây đàn piano cũ cũng nghĩ ngay tới chuyện xin về cho tụi nhỏ', nhạc sĩ Trần Hùng, con trai NSND Tường Vi nhớ lại.

Gặp nhạc sĩ Trần Hùng tại Trung tâm nghệ thuật tình thương (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), đôi mắt ông đỏ hoe khi nhắc tới mẹ - NSND Tường Vi. Đây là một trong ba trung tâm mà bà tâm huyết gầy dựng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông nói hồi ấy đàn, hát, múa không phổ biến, người dân khó tiếp cận nên khi có trung tâm nghệ thuật ai cũng mừng.

Nhạc sĩ Trần Hùng, con trai NSND Tường Vi. Ảnh: Thanh Hiền.

Nhạc sĩ Trần Hùng, con trai NSND Tường Vi. Ảnh: Thanh Hiền.

Năm 1997, Trung tâm nghệ thuật tình thương ở Đà Nẵng ra đời, NSND Tường Vi đi đến từng làng mồ côi, từng trường khuyết tật, từng gia đình cựu chiến binh, giáo viên khó khăn tìm những em nhỏ có năng khiếu để gọi vào trường. Mỗi khóa như vậy trên dưới 50 em, có lúc cao điểm tới gần cả trăm em.

“Mẹ tôi dạy hát, uốn nắn, chỉnh sửa và truyền đạt kỹ năng cho các em. Bà còn kêu gọi các thầy cô, nghệ sĩ khác tới làm tình nguyện, dạy múa, dạy đàn… miễn phí cho các cháu. Nhờ vậy mà bao thế hệ em nhỏ thiệt thòi được học năng khiếu”, ông kể.

Một góc trong Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng đặt bức ảnh của "mẹ đẻ" Tường Vi.

Một góc trong Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng đặt bức ảnh của "mẹ đẻ" Tường Vi.

Con trai giọng ca Cô gái vót chông trầm tư, khoảng thời gian sau khi về hưu là lúc bà làm việc hăng say nhất vì có 3 trung tâm nghệ thuật. Bà không có nhiều tiền, chỉ có chuyên môn và trái tim nên ngày đêm miệt mài dốc sức để những em bé thiếu may mắn có thêm sắc màu trong đời sống và niềm hy vọng ở tương lai. Cùng với sự chung tay của những đơn vị, tổ chức, cá nhân, trung tâm không chỉ là lớp học, sân chơi mà dần như mái nhà của các em.

“Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ tới các cháu. Tôi nhớ có lần bà thấy mấy cơ sở bỏ không, bà tính hay là mình xin vào đây mở lớp dạy cho trẻ. Thấy cây đàn piano cũ cũng nghĩ ngay tới chuyện xin về cho tụi nhỏ”, ông Hùng hồi tưởng.

Bao em nhỏ thiệt thòi đã được NSND Tường Vi chắp cánh trên con đường nghệ thuật.

Bao em nhỏ thiệt thòi đã được NSND Tường Vi chắp cánh trên con đường nghệ thuật.

Năm 2015 là năm cuối cùng bà đi biểu diễn vì lúc đó sức khỏe đã yếu đi nhiều. Công việc ở trung tâm có con trai và các cộng sự gánh vác, nhưng bà vẫn không chịu ngồi yên, hết tư vấn chương trình, bài hát, nội dung lại tổ chức các nhóm biểu diễn. Dịch COVID-19 ập tới, trung tâm tê liệt trong một thời gian dài và hiện giờ hoạt động định kỳ vào các dịp Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Tết…

Trong Trung tâm nghệ thuật tình thương nằm cuối con đường Hoàng Văn Hòe, bức chân dung của NSND Tường Vi đặt tay bên khuôn miệng như vang lên giọng ca “hay hơn tiếng chim hót”. Dãy nhà lặng im, mọi người tất bật lo bàn thờ, hương hoa tiễn biệt người nghệ sĩ có trái tim nồng ấm. Ông Hùng kể mấy bữa nay trung tâm mới sửa lại được một phần nhỏ, mọi năm mưa bão quật hỏng mái tôn, cửa kính, xuống cấp nhiều nơi.

“Mẹ tôi mong mỏi chỉnh trang trung tâm lại, nhất là cái sân khấu. Phải có sân khấu đẹp để các cháu làm quen, tập tành, biểu diễn. Tâm nguyện của bà là phải duy trì trung tâm nghệ thuật để các em nhỏ thiệt thòi có nơi để viết tiếp ước mơ của mình”, ông nói.

Tâm nguyện của giọng ca Cô gái vót chông là duy trì những trung tâm nghệ thuật tình thương để giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, mồ côi, khó khăn...

Tâm nguyện của giọng ca Cô gái vót chông là duy trì những trung tâm nghệ thuật tình thương để giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, mồ côi, khó khăn...

“Rất nhiều lứa học trò tại trung tâm học hành đỗ đạt thành tài, đi diễn khắp nơi. Mừng là họ đã tự kiếm tiền được bằng chính sức lao động của mình. Học trò của mẹ cũng có nhiều người nổi tiếng, như nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương. Có lẽ vậy mà mẹ chưa bao giờ ngưng nghỉ việc giúp những em bé mồ côi, khuyết tật, khó khăn…”, nhạc sĩ Trần Hùng.

Thanh Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-nguyen-cuoi-doi-cua-nsnd-tuong-vi-post1636937.tpo