Tấm gương vượt khó, tự nguyện xin thoát nghèo

Với tinh thần chí thú làm ăn và tính siêng năng cần cù trong lao động, nhiều hộ nghèo quyết tâm vượt qua nghèo khó không chỉ bởi mong muốn gia đình, con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà họ còn ý thức vươn lên vì không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội, góp phần xây dựng địa phương phát triển giàu đẹp. Gia đình chú Nguyễn Văn Khánh ở ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự là một điển hình như thế.

Vợ chồng chú Khánh chuẩn bị bún đi bỏ mối để trang trải cuộc sống

Chú Khánh cho biết, năm 1996, chú và cô Dương Thị Thu Thảo kết hôn, gia đình chú nghèo không có ruộng đất, ba mẹ mất sớm chỉ để lại cho chú ngôi nhà nhỏ dột nát. Gia đình cô Thảo cũng khó khăn nên khi 2 người lấy nhau tài sản duy nhất chỉ là căn nhà ba mẹ chú Khánh để lại. Không có đất canh tác, chú Khánh làm thuê, làm mướn khắp nơi, vợ chú thì chở bún đi bán để nuôi 2 con ăn học với suy nghĩ đời mình đã không được học hành đến nơi đến chốn thì nhất định phải để các con được học mới mong thoát khỏi cảnh nghèo. Dù đã nỗ lực lao động nhưng do việc làm thuê, mướn bấp bênh, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, học hành của con cái cứ đè nặng, cái nghèo vẫn bám lấy gia đình chú. Ước mơ của gia đình là có được một số vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế.

Năm 2014, thấy gia đình chú Khánh khó khăn nhưng chí thú làm ăn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ giới thiệu cho gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 25 triệu đồng. Như được tiếp thêm động lực, vợ chồng chú Khánh càng hăng say chí thú làm ăn. Số tiền vay được, chú Khánh mua 2 con bò để nuôi theo hướng bò sinh sản, khi bò sinh sản, chú chọn bò tốt để nuôi tiếp tục gầy giống, con xấu thì chú vỗ béo bán. Nguồn thức ăn chủ yếu được tận dụng từ nguồn phế phẩm nông nghiệp như: rơm, thân bắp, cỏ ven đường,... Khi đàn bò ngày càng đông, chú Khánh bắt đầu thuê đất để trồng cỏ. Cũng từ thời điểm đó, kinh tế gia đình chú Khánh bắt đầu cải thiện. Sau 4 năm vay vốn, từ 25 triệu đồng, chú Khánh thu lãi khoảng 250 triệu đồng từ nghề chăn nuôi bò. Năm 2018, chú Khánh sửa lại căn nhà cũ xiêu vẹo thành nhà kiên cố với chi phí trên 100 triệu đồng, đồng thời hoàn trả hết số tiền vay 25 triệu đồng cho Nhà nước.

Cuối năm 2019, tự thấy kinh tế gia đình đi vào ổn định, gia đình chú Khánh đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Chú Khánh chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh mình nghèo khổ quá nên cố gắng bươn chải, cần cù để lo cho các con sau này không phải khổ như mình. Nhờ vậy mà vợ chồng tôi lo được cho 2 đứa con gái học hết lớp 12 và có việc làm ổn định. Hiện tại, tôi không còn nuôi bò vì chân bị tổn thương do té dẫn đến teo cơ và bị yếu nhưng tôi vẫn có thể phụ vợ đi bán và bỏ mối bún, hàng ngày cũng có đồng ra đồng vô, vợ chồng tôi cũng không còn nặng gánh lo cho con nữa vì chúng đã có gia đình riêng, vì thế vợ chồng tôi quyết định xin thoát nghèo nhường lại sự hỗ trợ đó cho cô bác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Trong thâm tâm tôi, lao động để thoát nghèo bền vững không chỉ là trách nhiệm với gia đình, với con cái mà còn thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm đối với địa phương và xã hội”.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh là hộ chí thú làm ăn, có ý thức cao trong việc tự lực vươn lên bằng sức lao động chính đáng. Cuối năm 2019, dù chưa được xã xét cho thoát nghèo nhưng vợ chồng ông đã tự làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã để tạo điều kiện cho địa phương giúp đỡ cho các hộ còn lại. Gia đình ông là một trong những điển hình không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên, góp phần tuyên truyền ý thức tự vươn lên thoát nghèo trong Nhân dân, cùng địa phương thực hiện tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới về công tác giảm nghèo. Bởi bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, cần cù lao động là một trong những yếu tố quan trọng để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”.

BÍCH LIỄU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/tam-guong-vuot-kho-tu-nguyen-xin-thoat-ngheo-92106.aspx