Tâm điểm tranh cãi ngoại giao giữa Hy Lạp và Vương quốc Anh

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuần qua đã hủy cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis do tranh cãi ngoại giao liên quan đến các tác phẩm điêu khắc Parthenon 2.500 năm tuổi đang cất giữ ở Bảo tàng Anh.

Du khách chiêm ngưỡng bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc nguyên bản của đền Parthenon, Hy Lạp tại Bảo tàng Anh ở London

Kiệt tác nghệ thuật lưu lạc

Tờ Bloomberg đưa tin, tối 27-11, Chính phủ Hy Lạp được thông báo về việc Thủ tướng Anh hủy cuộc gặp ông Mitsotakis, theo lịch trình sẽ diễn ra vào ngày 28-11. Theo giới truyền thông, quyết định hủy cuộc gặp của Thủ tướng Anh được đưa ra sau khi ông Mitsotakis nói với đài truyền hình BBC của Anh rằng, các tác phẩm điêu khắc Parthenon đã bị đánh cắp và cần được trả lại. “Nếu tôi nói với bạn rằng sẽ cắt đôi bức tranh Mona Lisa, một nửa ở Bảo tàng Louvre và một nửa ở Bảo tàng Anh, bạn có nghĩ người xem sẽ đánh giá cao vẻ đẹp của bức tranh không?” - ông Mitsotakis nói trong cuộc phỏng vấn.

Trong một thông cáo, ông Mitsotakis cho biết rất thất vọng vì cuộc hội đàm đã bị hủy bỏ. Thông cáo nêu rõ: “Quan điểm của Hy Lạp về vấn đề tác phẩm điêu khắc Parthenon đã rõ ràng. Tôi cũng hy vọng có cơ hội thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Anh cùng những thách thức lớn của tình hình quốc tế như Gaza, Ukraine, khủng hoảng khí hậu, di cư”. Hôm 29-11, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis cũng cho biết điều này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương vì đây là một mối quan hệ có chiều sâu lịch sử.

Nhóm cổ vật Parthenon là tâm điểm tranh cãi giữa Hy Lạp và Anh gồm hơn 30 tác phẩm điêu khắc đá cổ có niên đại hơn 2.000 năm, được trưng bày tại Bảo tàng Anh. Đây là những phần nguyên bản của đền thờ nữ thần Athena trong khu đền Parthenon nổi tiếng (được hoàn thành vào năm 432 trước Công nguyên). Trong số này, nhiều tấm điêu khắc hiển thị những cảnh trong thần thoại Hy Lạp. Có tấm dài 75m, mô tả đám rước nhân dịp sinh nhật của nữ thần Athena. Tất cả đều tồn tại gần như nguyên vẹn, bất chấp chiến tranh, động đất, ngoại xâm và sự thay đổi chức năng của ngôi đền. Những tác phẩm này được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Chúng được thiết kế hoàn chỉnh do các nghệ nhân hàng đầu thực hiện nhằm tôn vinh thời kỳ hoàng kim của Athens.

Vào năm 1687, đền Parthenon bị quân đội Venice đang bao vây, cho nổ tung và nhiều phần bị thất lạc. Hơn một thế kỷ sau vụ nổ hủy diệt, ông Elgin Marbles - khi đó là Đại sứ Anh tại Đế chế Ottoman (mà Athens vẫn là một phần trong đế chế này) - đã xin được giấy phép dỡ bỏ một số tác phẩm điêu khắc. Chúng được chuyển đến Vương quốc Anh và cuối cùng được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Anh vào năm 1816. Theo thông tin trên trang web của Bảo tàng Anh, “trong số 50% tác phẩm điêu khắc nguyên bản còn tồn tại, khoảng một nửa nằm ở Bảo tàng Anh và một nửa ở Athens”.

Cuộc tranh cãi nhiều năm

Hy Lạp đã nhiều lần yêu cầu trả lại các món cổ vật cho Athens nhưng bị Vương quốc Anh và bảo tàng đã từ chối. Cụ thể, Athens đã kêu gọi trả lại kho báu này kể từ khi giành được độc lập khỏi Đế chế Ottoman vào năm 1832 với cáo buộc ông Elgin có hành vi trộm cắp. Năm 1983, Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Melina Mercouri phát động một chiến dịch chính thức kêu gọi trao trả cổ vật đang do Anh quản lý. Mặc dù Vương quốc Anh tỏ ra khó chịu với chiến dịch này, bà Mercouri lập luận đó “là một phần không thể thiếu của tượng đài đại diện cho tinh thần dân tộc của Hy Lạp”. Trong thư gửi chính quyền Anh, bà viết: “Những tác phẩm điêu khắc Parthenon này là niềm tự hào của chúng tôi, là sự hy sinh, là cốt lõi của Hy Lạp”.

Tháng 9-2019, Thủ tướng Mitsotakis đồng ý cho Bảo tàng Anh mượn cổ vật để tạm thời trưng bày, nhưng cũng khẳng định mong muốn đưa các cổ vật do người Anh đang giữ trước đó trở về Hy Lạp mãi mãi. Tháng 12-2022, Hy Lạp cho biết họ đang đàm phán với Vương quốc Anh về việc hồi hương các tác phẩm điêu khắc, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, Bảo tàng Anh cho biết, các tác phẩm nghệ thuật cổ đại này được mua lại một cách hợp pháp và là một phần không thể thiếu trong khu trưng bày lịch sử văn hóa thế giới. Nước Anh cũng sẵn sàng cho Hy Lạp mượn, nhưng phải chắc chắn rằng sẽ lấy lại được các món cổ vật. Vì vậy, Athens trước tiên nên thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của Bảo tàng Anh đối với nhóm tác phẩm - điều mà nhà lãnh đạo Hy Lạp đã loại trừ. “Vương quốc Anh đã chăm sóc nhóm cổ vật Elgin Marbles qua nhiều thế hệ. Bộ sưu tập của Bảo tàng Anh được pháp luật bảo vệ và chúng tôi không có kế hoạch thay đổi điều đó” - Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết hôm 13-3.

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tam-diem-tranh-cai-ngoai-giao-giua-hy-lap-va-vuong-quoc-anh-post559853.antd