Taliban chiếm thành phố lớn ở miền bắc Afghanistan, còn cách Kabul 70km
Quân Taliban đã chiếm được Mazar-i-Sharif, một thành phố lớn ở miền bắc Afghanistan hôm thứ Bảy (14/8), qua đó tiến gần hơn đến Kabul, nơi các nước phương Tây đang gấp rút sơ tán công dân của họ rời khỏi thủ đô.
Lực lượng Taliban tuần tra trên một con phố ở thành phố Herat, miền tây Afghanistan vào ngày 14 tháng 8 - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Hành trình bám rễ dài dẳng của Taliban và kịch bản cho Afghanistan hậu rút quân
7 ngày rung chuyển Afghanistan: Hết thành phố này đến thành phố khác rơi vào tay Taliban
Taliban chiếm thêm nhiều thành phố của Afghanistan, thủ đô Kabul nguy cấp
Ông Afzal Hadid, người đứng đầu hội đồng tỉnh Balkh, đã xác nhận sự sụp đổ của thành phố Mazar-i-Sharif và cho biết thêm lực lượng an ninh của Mazar-i-Sharif đang rút lui về phía biên giới.
“Taliban đã nắm quyền kiểm soát Mazar-I-Sharif. Tất cả lực lượng an ninh đã rời khỏi thành phố Mazar", ông nói. Thành phố dường như đã thất thủ mà không có giao tranh, mặc dù các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn tiếp diễn gần đó, ông cho biết.
Việc chiếm thêm Mazar-i-Sharif giúp Taliban có được thành phố thứ 20 trong 34 thành phố lớn trên khắp cả nước.
Trước đó, cũng trong ngày 14/8, Taliban phải đối mặt với rất ít sự kháng cự khi chiếm giữ thành phố Pul-e-Alam, thủ phủ của tỉnh Logar một trong những cửa ngõ dẫn vào thủ đô và chỉ cách Kabul 70 km về phía nam, theo một thành viên hội đồng tỉnh địa phương cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức cảnh sát bác bỏ thông tin cho rằng Taliban đã áp sát Kabul từ Pul-e-Alam, nơi có thể dàn dựng một cuộc tấn công tiềm tàng vào thủ đô.
Việc chiếm thành phố Mazar-i-Sharif diễn ra một ngày sau khi quân nổi dậy chiếm các thành phố lớn thứ hai và thứ ba của đất nước. Taliban nói rằng họ cũng sắp chiếm được Maidan Shahr, một thành phố khác gần Kabul.
Một quan chức chính phủ Afghanistan hôm thứ Sáu (13/8) xác nhận rằng Kandahar, thành phố lớn nhất ở miền nam và là trung tâm của Taliban, nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu hoàn tất việc rút quân sau 20 năm chiến tranh.
Thành phố Herat ở phía tây, gần biên giới với Iran, cũng rơi vào tay nhóm phiến quân này. Hôm thứ Bảy (14/8), Taliban cho biết họ đã tràn qua các thủ phủ của các tỉnh Kunar, Paktika và Paktia ở biên giới phía đông Afghanistan, mặc dù điều này chưa thể được xác nhận ngay lập tức.
Hàng ngàn người Afghanistan chạy trốn khỏi các tỉnh để đến thủ đô đang lo sợ đất nước trở lại chế độ cai trị của nhóm phiến quân theo chủ nghĩa Hồi giáo cứng rắn, khi sự kháng cự từ các lực lượng chính phủ Afghanistan đang ngày càng yếu ớt.
Rất nhiều người dân tị nạn từ các tỉnh đang phải vật vờ và sống trong các lều tạm ở công viên trong thành phố, ven đường hoặc trong bãi đỗ xe. Tình cảnh ở Kabul đang rất hỗn loạn, một tổ chức cứu trợ cho biết.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tổ chức các cuộc hội đàm khẩn cấp với các nhà lãnh đạo địa phương và các đối tác quốc tế, nhưng không có dấu hiệu phản ứng trước yêu cầu của Taliban rằng ông từ chức như một điều kiện cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
Ông Ghani tuyên bố trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình sẽ "ngăn chặn sự bất ổn, bạo lực và việc sơ tán của người dân", đồng thời cho biết thêm rằng các lực lượng an ninh và quốc phòng đang được củng cố.
Qatar, quốc gia đang tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, cho biết họ đã thúc giục quân nổi dậy ngừng bắn trong cuộc họp với các đại diện của họ hôm thứ Bảy (14/8).
Trong một diễn biến khác, nhiều nước châu Âu đang khẩn trương sơ tấn nhân viên sứ quán và công dân của mình khỏi thủ đô Kabul. Các cảnh báo cho biết, thủ đô của Afghanistan có thể bị tấn công và chiếm đóng trong thời gian ngắn nữa.