Tại sao Nvidia mua lại startup AI của Vingroup?

'AI của Việt Nam nên được xử lý ở đây, xây dựng ở đây, vận hành ở đây', CEO Jensen Huang của Nvidia chia sẻ trong lễ công bố trung tâm AI ở Việt Nam chiều 5/12.

 CEO Nvidia Jensen Huang cho biết tập đoàn đã mua lại VinBrain từ Tập đoàn Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

CEO Nvidia Jensen Huang cho biết tập đoàn đã mua lại VinBrain từ Tập đoàn Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

Sau nhiều đồn đoán, Nvidia đã chính thức công bố mua lại VinBrain, start-up AI của Vingroup. Theo CEO Jensen Huang của Nvidia, công ty nhận thấy tiềm năng to lớn của VinBrain trong việc xây dựng một trung tâm thiết kế AI lớn tại Việt Nam.

“Để bắt đầu một trung tâm thiết kế mới, chúng tôi cần những con người tuyệt vời. Chúng tôi rất may mắn khi có VinBrain - một công ty khởi nghiệp AI xuất sắc và phi thường tại Việt Nam”, Jensen Huang nói tại lễ ký kết ở Hà Nội, diễn ra chiều 5/12.

VinBrain là khách hàng lâu năm của Nvidia

Startup về AI thuộc Vingroup đã sử dụng công nghệ của Nvidia từ cuối năm 2020. Theo bài viết trên trang web của Nvidia năm 2021, VinBrain là một trong những đơn vị đầu tiên trong khu vực nâng cấp hệ thống siêu máy tính Nvidia DGX A100.

"Với sự hỗ trợ của Nvidia DGX A100, VinBrain đã phát triển DrAid - trợ lý bác sĩ dựa trên AI, cung cấp chẩn đoán và sàng lọc tự động qua X-quang ngực cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh", trang web của Nvidia giới thiệu.

Bài viết của Nvidia cũng dẫn lời CEO Trương Quốc Hùng của VinBrain về việc hiệu suất siêu máy tính mới giúp tăng tốc xử lý các bài toán học sâu của công ty.

Từ năm 2020, VinBrain sử dụng siêu máy tính Nvidia DGX A100 - hệ thống AI mạnh mẽ nhất thế giới với khả năng tính toán lên tới 5 petaFLOPS. Ảnh: Nvidia.

Từ năm 2020, VinBrain sử dụng siêu máy tính Nvidia DGX A100 - hệ thống AI mạnh mẽ nhất thế giới với khả năng tính toán lên tới 5 petaFLOPS. Ảnh: Nvidia.

Ngoài DGX A100, VinBrain còn tận dụng các nền tảng khác của Nvidia như Clara và Jarvis. Clara là một khung ứng dụng chuyên biệt cho AI y tế, hỗ trợ xử lý hình ảnh và phân tích dữ liệu y tế trong thời gian thực. Còn Jarvis là nền tảng AI hội thoại đa phương tiện, giúp phát triển các giải pháp tương tác người-máy với độ trễ dưới 300 ms, phù hợp cho các ứng dụng như trợ lý ảo và hỗ trợ lâm sàng.

Đến tháng 3/2023, VinBrain chính thức trở thành thành viên cao cấp của chương trình Nvidia Inception. Đây là một chương trình toàn cầu hỗ trợ các start-up tiếp cận nguồn tài nguyên công nghệ đa dạng của Nvidia. Một số chuyên gia cũng cho rằng với quan hệ hợp tác này, Nvidia có thể hiểu rõ đâu là công ty với sản phẩm tiềm năng, và có thể đề nghị mua lại ở thời điểm thích hợp.

Phục vụ chiến lược AI của Nvidia tại Việt Nam và khu vực

Trong bài phát biểu tại lễ ký kết tại Việt Nam ngày 5/12, CEO Nvidia Jensen Huang nhấn mạnh rằng AI đang tái định hình toàn bộ ngành công nghiệp. Do đó, đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam xây dựng một tương lai của AI.

Ông khẳng định: "AI của Việt Nam nên được xử lý ở đây, xây dựng ở đây, vận hành ở đây vì người dân và nền công nghiệp Việt Nam”.

Bên cạnh thương vụ với VinBrain, Nvidia đã công bố kế hoạch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ tập trung vào việc phát triển phần mềm AI và hợp tác với các start-up, trường đại học và chính phủ để thúc đẩy ứng dụng AI. Đây là lần đầu tiên Nvidia chính thức đặt nền móng cho một trung tâm R&D tại đây.

 Chủ tịch Nvidia Jensen Huang khẳng định AI của Việt Nam nên được xử lý ở đây, xây dựng ở đây, vận hành ở đây vì người dân và nền công nghiệp Việt Nam.Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Chủ tịch Nvidia Jensen Huang khẳng định AI của Việt Nam nên được xử lý ở đây, xây dựng ở đây, vận hành ở đây vì người dân và nền công nghiệp Việt Nam.Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Theo Nvidia, trung tâm này sẽ tạo ra nền tảng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong AI. Các nhà nghiên cứu và startup có thể sử dụng cơ sở hạ tầng này để phát triển các ứng dụng AI trong các ngành quan trọng như y tế, giáo dục, giao thông vận tải và tài chính.

Trên trang cá nhân, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), cho rằng mấu chốt đối với ngành công nghệ của Việt Nam hiện tại là phải là thu hút R&D. "Có R&D và từ R&D, có nguồn nhân lực, có hệ sinh thái AI... ta sẽ có tất cả", ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Trước Việt Nam, Nvidia còn có những động thái tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực. Tại Thái Lan, ngày 4/12, Nvidia thông báo hợp tác với SIAM.AI để xây dựng “đám mây chủ quyền” (sovereign cloud). Đây là một nền tảng AI bảo đảm dữ liệu quốc gia được quản lý bởi chính người dân và tổ chức địa phương.

Jensen Huang cho biết dữ liệu chính là tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia và việc kiểm soát nó đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các hệ sinh thái AI bản địa. Do đó, Nvidia muốn hợp tác với chính phủ Thái Lan để phát triển “cơ sở hạ tầng AI đẳng cấp thế giới” tại quốc gia này, vị CEO khẳng định.

Trong chuyến ghé thăm Thái Lan, Huang cũng cho biết thêm rằng Nvidia sẽ hợp tác với 40 trường đại học Thái Lan và hơn 50 công ty khởi nghiệp để các trường học và doanh nghiệp địa phương “có thể tiếp cận với AI của Thái Lan”.

VinBrain có gì?

Được thành lập vào năm 2019, VinBrain là một trong 6 công ty công nghệ - công nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup, bên cạnh VinFast, VinAI, VinCSS, VinBigdata và VinHMS. Khởi đầu với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, VinBrain tập trung vào việc giải quyết các vấn đề y tế cấp bách thông qua AI, với mục tiêu cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Đứng sau thành công của VinBrain là ông Trương Quốc Hùng, CEO và nhà sáng lập công ty. Trước khi trở về Việt Nam, ông Hùng từng giữ vị trí Giám đốc ở Microsoft AI, làm việc hơn 13 năm tại đây.

 Trang web của VinBrain vào sáng 6/12 cũng cập nhật giao diện với thông báo trở thành một phần của Nvidia.

Trang web của VinBrain vào sáng 6/12 cũng cập nhật giao diện với thông báo trở thành một phần của Nvidia.

Dưới sự lãnh đạo của ông, VinBrain phát triển DrAid. Nền tảng này được thiết kế để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh phức tạp như ung thư gan và ung thư trực tràng. Đây là những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm.

Với công nghệ AI, DrAid có thể phát hiện các khối u nhỏ chỉ 5 mm, vượt xa khả năng của các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm. Đồng thời, ứng dụng GenAI, bác sĩ cũng có thể tạo báo cáo y tế chỉ trong vòng 40-60s, thay vì 4-5 phút, giúp giảm tải công việc cho các bác sĩ, nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán.

Start-up của ông Hùng đã đầu tư vào thu thập và làm sạch 33.544 triệu hình ảnh dữ liệu từ các bệnh viện lớn ở Việt Nam và quốc tế như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc. Từ đó, họ tạo ra một mô hình AI có độ chính xác cao, được kiểm định qua các tiêu chuẩn y tế quốc tế như Golden Standard và sẵn sàng thử nghiệm tại hơn 150 bệnh viện trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, VinBrain hợp tác với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và hệ thống y tế tư nhân như Medlatec.

Ngoài DrAid, VinBrain còn phát triển một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng như AIscaler - nền tảng gán nhãn dữ liệu, AIviCam - giải pháp AI Camera an ninh và SenMe - ứng dụng hỗ trợ sức khỏe tinh thần tích hợp AI.

Riêng DrAid, nền tảng này là sản phẩm AI đưa Việt Nam trở thành đơn vị duy nhất của Đông Nam Á và là 1/6 nước ứng dụng AI trong lĩnh vực chẩn đoán tràn khí màng phổi đạt chứng nhận FDA (Mỹ). VinBrain cũng có kế hoạch mở rộng thị trường ra quốc tế. Trọng tâm là các thị trường tiềm năng như Indonesia và Singapore.

Ngày 5/12, Nvidia công bố mua lại VinBrain, start-up AI của Vingroup. Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh Nvidia và Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận thành lập 2 trung tâm trí tuệ nhân tạo, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ và xây dựng hạ tầng AI hàng đầu tại đây.

Sáng ngày 6/12, trang web của VinBrain đã thay đổi giao diện, xác nhận rằng công ty hiện là một phần của Nvidia kể từ tháng 12/2024.

Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri

Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.

Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-nvidia-mua-lai-vinbrain-post1516203.html