Tại sao các nước Đông Nam Á tiếp tục mua vũ khí của Nga?

Bài báo đăng trên trang Deutsche Welle (DW) ngày 5/4 lý giải nguyên nhân đằng sau việc các nước Đông Nam Á tiếp tục mua vũ khí của Nga.

Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Đông Nam Á, nhưng chính phủ các nước trong khu vực đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Vào tháng 12/2021, Indonesia cho biết sẽ không tiếp tục mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 do Nga sản xuất.

Số 1 về xuất khẩu quốc phòng

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Đông Nam Á.

Từ năm 2000-2019, Nga đã xuất khẩu các thiết bị quân sự trị giá khoảng 10,7 tỷ USD cho khu vực này.

Trong giai đoạn 2015-2021, Nga cũng đã bán vũ khí trị giá 247 triệu USD cho Myanmar, 105 triệu USD cho Lào và 47 triệu USD cho Thái Lan.

Theo ông Hunter Marston, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, nhiều khả năng một số khí tài quân sự từ Nga vẫn sẽ được cung cấp cho Myanmar.

Ông lưu ý: “Tại một số thời điểm, quân đội Myamanar cần các chuyên gia kỹ thuật của Nga để sửa chữa phi đội trực thăng của họ".

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phía Myanmar sẽ làm cách nào nếu ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đều tập trung vào Ukraine.

Ngày 9/3, chính phủ Philippines thông báo sẽ triển khai thỏa thuận mua 17 máy bay trực thăng vận tải quân sự từ Nga, vốn đã được ký và thanh toán một phần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nhà phân tích quốc phòng Joshua Bernard Espena có trụ sở tại Manila cho biết: “Những người theo dõi các vấn đề quân sự đã thất vọng với việc mua thiết bị của Nga" ngay cả trước khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraine.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan

Nhưng các chính phủ Đông Nam Á phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi cuộc chiến Ukraine bước sang tuần thứ 6 và các nhà lãnh đạo phương Tây kêu gọi truy tố Tổng thống Nga Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh.

Theo ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia), các hoạt động mua sắm vũ khí và tập trận song phương với Nga “sẽ vẫn rất nhạy cảm ngay cả sau khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc”.

Bầu không khí chính trị sẽ bị “đầu độc” nếu Mỹ và các đồng minh cố trừng phạt nước Nga của ông Putin vì tội ác chiến tranh và yêu cầu Moscow bồi thường thiệt hại để hỗ trợ tái thiết Ukraine.

Giáo sư Thayer nhận định, “hầu hết các quốc gia trong khu vực và chính Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiếp tục theo dõi một cách thận trọng".

Mục đích là "tránh leo thang căng thẳng hoặc nguy cơ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các quốc gia châu Âu”.

Danh sách các nước xuất khẩu quốc phòng hàng đầu sang Đông Nam Á.

"Ngón đòn" trừng phạt

Theo bà Kristina Kironska, học giả về Myanmar có trụ sở tại Bratislava, Liên minh châu Âu (EU) có thể trừng phạt các nhà cung cấp vũ khí của Nga cho quân đội Myanmar.

Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi về tác động của lệnh trừng phạt như vậy. Chuyên gia Kironska tin chắc rằng “Nga và Myanmar sẽ tìm ra cách hợp tác”.

Mỹ có thể làm được nhiều hơn thế. Năm 2017, nước này đã ban hành Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), cho phép áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ Nga.

Dù vậy, các quốc gia như Indonesia và Ấn Độ, cho đến nay vẫn chưa bị Washington trừng phạt với lý do họ đang giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

Điều đó giải thích tại sao Nga là một người buôn vũ khí quan trọng ở Đông Nam Á, không phải chỉ vì khả năng chi trả hay khả năng sát thương của vũ khí Nga.

Tâm điểm cạnh tranh

Khu vực này hiện là tâm điểm của cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung, trong khi một số quốc gia đang tham gia các tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phản ứng của Đông Nam Á là “tìm cách né tránh” để hợp tác với cả 2 siêu cường trong khi đa dạng hóa quan hệ với các quốc gia khác.

Nếu các chính phủ ở Đông Nam Á mua vũ khí từ Mỹ, điều đó sẽ khiến Bắc Kinh thất vọng. Còn nếu mua vũ khí từ Trung Quốc, như Thái Lan và Campuchia đã làm, lại khiến Washington thất vọng.

Tuy nhiên, việc mua vũ khí từ Nga được cho là có thể chấp nhận được đối với cả 2 siêu cường.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Espena, nếu chính phủ các nước trong khu vực ký kết các thỏa thuận vũ khí mới với Nga sau khi cuộc chiến Ukraine kết thúc và Mỹ phản ứng bằng cách trừng phạt các nước này, điều đó có thể “phản tác dụng”.

Những sự lựa chọn

Indonesia đang đàm phán mua máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất. Song mối đe dọa trừng phạt của CAATSA được cho là nguyên nhân khiến Jakarta phải suy nghĩ lại.

Chính phủ Indonesia hồi tháng 12/2021 cho biết sẽ không tiếp tục mua Su-35. Thay vào đó, nước này ký một thỏa thuận trị giá 8,1 tỷ USD với Pháp hồi tháng Hai vừa qua để mua máy bay chiến đấu Rafale.

Tuy nhiên, Indonesia không cắt đứt quan hệ quân sự với Nga. Tháng 12 năm ngoái, Jakarta đã đăng cai cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên giữa Nga và ASEAN.

Các lựa chọn của khu vực là gì? Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cuộc chiến Ukraine kéo dài bao lâu và thời gian các chính phủ phương Tây duy trì biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.

Giáo sư Thayer cho rằng, các quốc gia có 3 lựa chọn.

Họ có thể mua phụ tùng thay thế từ các quốc gia đang giảm nhập khẩu vũ khí của Nga, hoặc tiếp tục hợp tác sản xuất một số vũ khí và thiết bị của Nga.

Ngoài ra, các nước này có thể chuyển sang Ấn Độ, một nhà cung cấp vũ khí lớn khác cho khu vực.

Khánh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sao-cac-nuoc-dong-nam-a-tiep-tuc-mua-vu-khi-cua-nga-179799.html