Tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù cần thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Và tại dự thảo Luật sẽ chỉ quy định một phương án về nội dung này.

Tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù thuộc lưu trữ tư hay lưu trữ Nhà nước?

Làm rõ tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ, giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động thuộc lưu trữ tư hay lưu trữ Nhà nước là một vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu.

Qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định của Luật Lưu trữ hiện hành (Khoản 9, Điều 2), tài liệu lưu trữ của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trong đó có các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu quy định theo hướng tài liệu lưu trữ của các tổ chức này là một bộ phận của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, nhưng là tài liệu lưu trữ tư, không thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam (Khoản 24 Điều 2 và Điều 7).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Về vấn đề này, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật có ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng, theo Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư hiện đang có 30 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, trong đó có những hội đang được điều chỉnh bởi quy định của luật như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các tổ chức này có vai trò quan trọng trong hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử và phục vụ quản lý nhà nước, cần được nộp vào lưu trữ lịch sử để lưu giữ, bảo đảm an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Các ý kiến này đề nghị, quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, đó là quy định những tài liệu này thuộc lưu trữ tư. Bởi, theo quy định hiện hành, các hội quần chúng đặc thù là tổ chức tự nguyện, tự quản. Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước quy định, kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ được Nhà nước giao (Khoản 8, Điều 8). Mặt khác, hiện lưu trữ của các tổ chức này không được nộp vào lưu trữ lịch sử do không thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử theo quy định tại Thông tư số 17/2014/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Quy định hiện hành đã rõ

Về vấn đề tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động thuộc lưu trữ tư hay thuộc lưu trữ Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu quy định theo hướng, những tài liệu này thuộc lưu trữ tư, là một bộ phận của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, lưu trữ quốc gia và lưu trữ Nhà nước khác nhau. Lưu trữ Nhà nước là lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thực hiện, lưu trữ quốc gia là thể hiện chung. Quy định tại Luật hiện hành về vấn đề này không thực hiện được là do Thông tư số 17/2014/TT-BNV không quy định cụ thể nên các tổ chức, đơn vị không thực hiện được. Không thể vì một thông tư mà chúng ta thay đổi quy định của Luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần quy định tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc lưu trữ Nhà nước. Bởi, theo Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư hiện đang có 30 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương... “Lưu trữ tài liệu tại các hội quần chúng đặc thù này rất cần đưa vào lưu trữ Nhà nước để bảo đảm nguồn lưu trữ, tính bảo mật và phát huy thực tiễn trong nghiên cứu khoa học, lịch sử, cũng như phục vụ công tác quản lý Nhà nước”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nên giữ như quy định tại Luật hiện hành, do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rõ về vấn đề này.

Cùng với quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền là chủ trương đúng đắn, nhưng cần bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong hoạt động lưu trữ. Do vậy, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ Trung ương đến địa phương. Tại dự thảo Luật cần có các quy định về việc những cơ quan này định kỳ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ để kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ bám sát nguyên tắc nêu trên, thì giá trị của tài liệu lưu trữ sẽ được gia tăng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của lưu trữ quốc gia.

Trên cơ sở ý kiến và phân tích kỹ, thấu đáo về vấn đề này, tại Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) nêu rõ, nhất trí quy định tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Và trong dự thảo Luật chỉ quy định một phương án về nội dung này. Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác sẽ là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tai-lieu-luu-tru-cua-cac-hoi-quan-chung-dac-thu-can-thuoc-phong-luu-tru-nha-nuoc-viet-nam-i361775/