Tác hại tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm đối với sức khỏe

Ảnh minh họa: Internet

Thực phẩm sẽ trở thành mối nguy hại cho sức khỏe khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không đúng quy trình trong sản xuất lương thực…

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc từ thiên nhiên hay hóa chất tổng hợp được dùng để bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hoại của những sinh vật gây hại cây trồng. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản và trong môi trường (đất, nước, không khí) sẽ tham gia vào chuỗi thức ăn của con người. Tuy nhiên tình trạng nhiễm độc hóa chất BVTV, cũng như mức độ độc hại sẽ tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn mà chúng có thể tác động ngay lập tức, tiềm ẩn hoặc tích lũy theo thời gian tới sức khỏe của con người.

Các triệu chúng nguy hại cho sức khỏe có thể xuất hiện rất muộn sau nhiều năm, thậm chí tới tận thế hệ sau: gây khó khăn trong học tập, điều khiển hành vi ứng xử và khả năng sinh sản (dậy thì sớm, lão hóa sớm) tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có một số tác động lâu dài khác như: Quái thai (cơ thể bị dị tật từ trong phôi thai) và đột biến gen.

Thông thường có 3 con đường chính để thuốc BVTV đi vào cơ thể. Thứ nhất, ăn các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc từ các loại thuốc BVTV khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly. Thứ hai, qua đường hô hấp khi chúng ta hít phải thuốc, có thể đi qua chỗ người ta đang phun thuốc, gió thoảng qua. Thứ ba là qua việc tiếp xúc trực tiếp, tức sử dụng các loại thuốc mà không đeo găng tay, đồ bảo hộ.

Khi ngộ độc thuốc ở dạng cấp tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ thấy như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi… Nặng hơn chất độc sẽ chuyển hóa qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ung thư…

Khi nhiễm độc nặng sẽ tê liệt, ngứa, thiếu khả năng điều phối các cơ quan trong cơ thể, đau đầu chóng mặt, rùng mình, buồn nôn, chuột rút ở vùng bụng, đổ mồ hôi, giảm khả năng thị lực, khó thể, suy hô hấp và tim đập chậm. Lượng thuốc lớn có thể gây bất tỉnh, co giật và chết. Nhiễm độc hóa chất BVTV nhẹ, thường có triệu chứng đau bụng, giảm thị lực, đau ngực, tiêu chảy, chóng mặt, đổ mồ hôi nhiều, nhức đầu, đau nhức cơ và chuột rút, buồn nôn và nôn, chảy nước mắt, mũi và miệng.

Ngộ độc mãn tính xảy ra khi một người nhiễm với liều lượng nhỏ, nhiều lần trong thời gian dài. Tiếp xúc với hóa chất BVTV trong thời gian dài, cơ thể có triệu chứng suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung, mất phương hướng, suy nhược nghiêm trọng, dễ bị kích động, rối loạn, đau đầu, nói khó, phản ứng chậm, hay gặp ác mộng, mộng du, thờ thẫn hoặc mất ngủ; Ngoài ra người bị nhiễm độc còn có thể bị các vấn đề về tiết niệu, và hội chứng cường cholinergic gặp trong ngộ độc cấp hóa chất BVTV phospho hữu cơ, carbamat. Với hội chứng này, người nhiễm độc sẽ nôn mửa, kêu khó thở tức ngực, da tái lạnh, vã mồ hôi, run toàn thân hoặc co giật…

Làm gì để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV?

Để hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc thuốc BVTV, người sản xuất nông nghiệp lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất BVTV trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật. Khi sử dụng hóa chất BVTV trong trồng rau quả, chỉ sử dụng các sản phẩm an toàn; thực hành theo hướng dẫn của nhãn thuốc BVTV để hạn chế tác hại HCBVT trực tiếp người dùng, môi trường xung quanh và sức khỏe cộng đồng.

Khi sử dụng các thuốc BVTV cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn lao động: đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc.

Khi thu hoạch rau củ quả phải chờ hết thời gian cách ly (thời gian cách ly của mỗi thuốc khác nhau, thông thường từ 10-15 ngày).

Các loại chai lọ bao bì đựng thuốc BVTV cần có đầy đủ nhãn hiệu, không đựng thuốc BVTV trong các vỏ chai lọ nước giải khát, để tránh nhầm lẫn uống phải.

(Nhạn Nguyễn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật PY)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/249558/tac-hai-ton-du-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat-trong-thuc-pham-doi-voi-suc-khoe.html