Tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe

Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) Việt Nam đang có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng.

Không chỉ người trưởng thành mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng, số trẻ mắc đái tháo đường ở nước ta cũng tăng. Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.

Tại Bệnh viện Nội tiết TW, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường tuýp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến lối sống: chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực.

Mối liên hệ giữa sử dụng đồ uống có đường và nguy cơ bị thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2

Bằng chứng từ các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng và một số loại ung thư.

Đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên (1 lon/ngày) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi sử dụng.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tiêu thụ khoảng 1 lon nước ngọt/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên 22% so với những người uống ít hơn 1 lon/tháng.

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào thực phẩm, đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất). Đường tự nhiên (đường có sẵn trong các loại trái cây, rau củ, …) không tính là đường gây hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g tương đương với 5 thìa cà phê đường) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Trung bình mỗi người Việt uống hơn 50 lít đồ uống có đường mỗi năm.

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo sử dụng nhiều đồ uống có đường còn có thể gây hại lâu dài, đặc biệt là ở trẻ em.

"Ở Việt Nam, vấn đề sử dụng đồ uống có đường trong nhóm thiếu niên, nhóm vị thành niên, gia tăng, thiếu kiểm soát như hiện nay thì có thể tiên lượng là khoảng 5, 10 hoặc15 năm nữa chúng ta sẽ có một thế hệ thanh niên trong tình trạng thừa, cân béo phì với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường… điều này sẽ dẫn đến gánh nặng bệnh tật và kèm theo đó là hệ thống y tế sẽ phải gánh chịu chi phí rất nặng nề" - bà Hạnh nói.

Các chuyên gia đưa ra thông tin: Thay thế khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày bằng nước, cà phê hoặc trà không đường có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường từ 2–10%.

Chuyên gia khuyến nghị gì để giảm tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam?

Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là các biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng, cấm quảng cáo, giảm tính sẵn có, tăng cường truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.

Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

Ông Mark Goodchild, chuyên gia kinh tế WHO tại Việt Nam khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tương tự như thuốc lá, rượu bia, việc tăng thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh này là biện pháp giảm tiêu dùng hiệu quả nhất.

Với mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh như hiện nay, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này nhằm điều chỉnh thói quen tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường; giảm thiểu tổn thất kinh tế do thừa cân và béo phì và mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan. Qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/tac-hai-cua-do-uong-co-duong-voi-suc-khoe-33060.html