Tác động từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đối với kim loại làm chip
Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng để sản xuất chất bán dẫn là lời cảnh báo đối với châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến thương mại công nghệ đang leo thang của họ về quyền tiếp cận vi mạch.
Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và một loại khoáng sản khác sẽ có hiệu lực vào tháng tới.
Theo tờ Wall Street Journal, động thái hạn chế xuất khẩu hai loại khoáng sản chính của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh các động thái nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi nước này, khi các chính phủ và ngành công nghiệp tìm cách hạn chế tác động từ cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các chuyên gia công nghiệp cho rằng động thái của Trung Quốc - được coi là sự trả đũa đối với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ nhằm kiềm chế các ngành công nghiệp công nghệ cao của Bắc Kinh - khó có thể ảnh hưởng ngay đến sản lượng chất bán dẫn và các sản phẩm khác trên toàn cầu, một phần vì Bắc Kinh nguy cơ gây tổn hại cho ngành công nghệ của chính họ nếu thực hiện lệnh cấm hoặc kiểm soát quá chặt chẽ. Nhưng nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia khác.
Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào tuần trước để đánh giá những hậu quả tiềm tàng của việc hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc đối với hai khoáng sản, gali và germanium (hay gecmani), đồng thời cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp lớn như chất bán dẫn. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết họ đang nghiên cứu tác động của các hạn chế từ Bắc Kinh. Cả hai quốc gia đều lo ngại các ngành công nghiệp bán dẫn lớn sẽ bị thiếu hụt hai loại khoáng sản này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất, có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. “Trung Quốc luôn cam kết duy trì an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời luôn thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nêu rõ.
Các nhà phân tích cho biết các biện pháp hạn chế xuất khẩu hai loại khoáng sản trên của Trung Quốc, cũng như hàng chục hợp chất liên quan, dường như nhằm vào các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước đã hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ liên quan sang Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro, động thái của Bắc Kinh có thể đóng vai trò như một lời cảnh cáo “để nhắc nhở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan rằng Trung Quốc có các lựa chọn trả đũa và do đó ngăn cản họ áp đặt thêm các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận các chip và công nghệ cao cấp”.
Trung Quốc khai thác và xuất khẩu một lượng lớn gali và germanium, cung cấp nguyên liệu thô cho các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản để chế biến chúng thành các sản phẩm cao cấp, sau đó có thể được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, radar quân sự, tấm pin mặt trời, xe điện và tua-bin gió.
Các hạn chế của Trung Quốc là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp liên quan đến cạnh tranh thương mại ngày càng gây tranh cãi mà Bắc Kinh và Washington đang thực hiện khi mỗi bên tìm cách thống trị các công nghệ cốt lõi với các ứng dụng quân sự và công nghiệp.
Chúng cũng gây áp lực khiến các chính phủ khác và nhiều công ty đa quốc gia phải tìm cách giảm tác động từ những rủi ro địa chính trị ngày càng tăng. Nhiều chính phủ và các công ty trên khắp thế giới đang nỗ lực chuyển một số chuỗi sản xuất và cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, trong khi một số công ty đã bắt đầu tách hoạt động của Trung Quốc ra khỏi phần còn lại của hoạt động kinh doanh toàn cầu.
Nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể sẽ được đưa ra. Mỹ có thể sẽ ban hành các quy định bổ sung trong những tuần tới liên quan đến việc hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị tiên tiến mà họ đã công bố vào tháng 10 năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng phụ trách về chính sách công nghiệp của Hàn Quốc Joo Young-joon cho biết Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đa dạng hóa hơn nữa các lộ trình tìm nguồn cung ứng nguyên liệu chính và phát triển các giải pháp thay thế nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hiện đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ các quốc gia cụ thể. Nước này cũng sẽ phát triển các công nghệ tái chế cho các khoáng chất quan trọng như một phần trong nỗ lực sẵn sàng ứng phó.
Ngay cả khi sự gián đoạn xảy ra, ngành kim loại và khai thác mỏ vẫn có những lựa chọn dài hạn hơn để giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt ở những nơi như Mỹ và Australia. Gecmani và gali thường được tinh chế dưới dạng sản phẩm phụ từ các nhà máy luyện kẽm và alumin.
Những loại khoáng sản quan trọng này, có thể tốn kém để xử lý, từ lâu đã bị các công ty khai thác toàn cầu bỏ qua để ưu tiên cho các mặt hàng công nghiệp có thể được sản xuất ở quy mô lớn. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất khẩu chúng với giá tương đối rẻ, cho phép nước này trở thành nhà cung cấp chiếm ưu thế.
Nyrstar, thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại khổng lồ Trafigura và là nhà sản xuất kẽm số hai thế giới, đang xem xét xây dựng một cơ sở trị giá 150 triệu USD để chiết xuất và xử lý germani và gali tại nhà máy luyện kẽm của họ ở Clarksville, Tenn. Cơ sở này có thể sản xuất đủ lượng kim loại trên để đáp ứng tới 80% nhu cầu hàng năm của Mỹ, công ty có trụ sở tại Hà Lan này cho biết.
Nyrstar tháng trước cho biết họ cũng có thể xem xét chiết xuất germanium mà trước đây họ đã bỏ qua tại các hoạt động ở Australia. Họ nói rằng làm như vậy sẽ có lợi cho các quốc gia bao gồm cả Mỹ. Các ước tính của công ty cho thấy họ có thể chiếm khoảng 5% sản lượng thế giới ở đó nếu làm như vậy.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nước này có trữ lượng germanium đáng kể ở Alaska, Tennessee và Washington, và Mỹ có thể tái chế nguyên liệu này. Một số mỏ kẽm trong nước cũng có thể chứa một lượng gali đáng kể, cơ quan này cho biết trong một báo cáo.