Suýt mất mạng vì thực phẩm chức năng (bài 1)

Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang gia tăng trong đời sống hiện đại khiến nhu cầu giảm cân tăng cao. Đánh trúng vào tâm lý muốn giảm cân khi thân hình 'quá khổ', giảm mỡ thừa để có vóc dáng thon gọn của nhiều người, các loại thuốc, thực phẩm chức năng được tung ra những lời quảng cáo hoa mỹ giúp chị em giảm cân 'siêu tốc', lấy lại vóc dáng chỉ sau một vài liệu trình mà không đau đớn, đã khiến nhiều người suýt mất mạng.

Bên cạnh đó, nhiều spa, thẩm mỹ viện cũng tung ra các gói giảm béo kèm theo khuyến mại hấp dẫn khiến nhiều người sập bẫy. Nguy hại hơn, người sản xuất đã đưa chất cấm… vào thực phẩm chức năng giảm cân, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy nguy kịch tới tính mạng.

Mất thị lực, hôn mê vì thực phẩm chức năng có chất cấm

Đột ngột bị mất thị lực sau 10 ngày uống thuốc giảm cân, chị P.T.H (26 tuổi, Hà Nội) vào Bệnh viện Bạch Mai khám và được chuyển đến Trung tâm thần kinh. Vốn có bệnh giảm tiểu cầu vô căn 11 năm đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thấy mình tăng cân, cô gái lên mạng thấy quảng cáo thực phẩm chức năng có tên gọi Detox Táo giảm cân hiệu quả. Sau khi tìm hiểu và được người bán thuyết phục, củng cố niềm tin bằng những giấy tờ chứng nhận độ an toàn, cô gái đã đặt mua 4 hộp. Sau 10 ngày uống, cô thấy có biểu hiện đau cột sống, liên tục có hiện tượng mất thị lực đột ngột, có lúc như bị mù, tối đen trong vài phút rồi mới nhìn lại được.

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh tổn thương não, theo dõi ngộ độc. Xét nghiệm thực phẩm chức năng giảm cân này, nghi có chứa chất cấm sibutramine, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Chống độc tiếp tục điều trị. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân uống sản phẩm giảm cân 10 ngày đã có các dấu hiệu về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng, nếu dùng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên uống thực phẩm chức năng chứa chất cấm vào cấp cứu. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng giảm cân do chứa chất sibutramine, có những bệnh nhân bị hôn mê, co giật, tổn thương não. Đặc biệt, chất cấm này còn được đưa vào cà phê giảm cân và quảng cáo tràn lan trên mạng. Trung tâm từng tiếp nhận nữ bệnh nhân 37 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.

Theo lời kể của nữ bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân mất kiểm soát. Một người bạn đã giới thiệu cho chị loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, 1 tuần có thể giảm được 4kg. Vì thế, người phụ nữ này đã đặt mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Cà phê giảm cân này có vị ngọt, thơm ngon như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 4, sau 15 phút, chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước, thân nhiệt hạ đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Người nhà phát hiện đưa chị vào viện thì đã ở trong tình trạng hôn mê và co giật.

Theo BS Nguyên, kết quả MRI thấy não bị tổn thương, nhưng may mắn, chị đã thoát khỏi nguy kịch tính mạng do được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời. Tuy nhiên, di chứng do tổn thương não thì còn phải theo dõi.

“Sibutramine có khả năng giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân, nhưng là chất gây nguy cơ tổn thương não, đột quỵ, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim… nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010. Thực phẩm chức năng giảm cân nói riêng và thực phẩm chức năng nói chung, nếu được quảng cáo như thuốc thần thánh thì càng hết sức cẩn trọng. Bởi thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh. Những thực phẩm trôi nổi này có thể trộn nhiều chất không rõ thành phần, thậm chí cả chất cấm không được sử dụng trên người, nên người dân cần phải tính táo”, BS Nguyên khuyến cáo.

Thực phẩm chức năng giảm cân chứa chất cấm bán tràn lan trên mạng.

Cần áp dụng chế tài mạnh để tạo tính răn đe

Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc giảm cân”, trên mạng xuất hiện hàng loạt thuốc và thực phẩm chức năng quảng cáo giảm cân hiệu quả như: OZ Slim USA – viêm giảm cân cho cơ địa khó lâu năm có giá gần 1,6 triệu đồng/hộp; Slim USA - viên giảm tác dụng mạnh đánh tan cân nặng có giá hơn 1,3 triệu/hộp; viên uống giảm mỡ bụng của Nhật Bản, Hàn Quốc có giá trên 800.000 đến 1,7 triệu đồng/hộp, được quảng cáo uống 3 viên trước khi đi ngủ, có tác dụng trực tiếp lên lớp mỡ thừa đặc biệt vùng bụng và eo, có khả năng đào thải nhanh chóng và đánh tan lớp mỡ thừa lâu năm tích tụ….; thậm chí có quảng cáo còn “nổ” viên giảm cân không chứa chất cấm Safety FAT Burner đã được nhận giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng”…

Các loại thực phẩm giảm cân này đều được quảng cáo dành cho người có cơ địa khó giảm cân hoặc đã sử dụng qua nhiều sản phẩm; giúp kiểm soát cơn đói nhanh chóng, hạn chế tích tụ mỡ thừa, đốt cháy mỡ thừa hiệu quả… nên đã hấp dẫn được người tiêu dùng muốn giảm cân ngay mà không phải qua quá trình giảm chế độ ăn, luyện tập hay hút mỡ, tạo thành bụng… “Tôi uống một loại thực phẩm chức năng giảm cân trong nước sản xuất, đến ngày thứ 4, đang đi đường tôi lảo đảo, hoa mắt, chóng mặt. Giảm cân đâu chưa thấy chỉ thấy người bồng bềnh, cả ngày không làm được gì vì mệt. Tôi ngừng ngay không dám uống nữa”, chị Phạm Thị Hoài, Ba Đình, Hà Nội cho biết.

Hiện nay, lợi dụng lòng tin, kỳ vọng của nhiều người vào thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cấp tốc nên người sản xuất đã trộn các loại chất độc hại, chất cấm sử dụng, chất được phép sử dụng nhưng liều lượng không đúng để tung ra thị trường. Những loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không được kiểm định, nguyên liệu trôi nổi được quảng cáo bắt mắt, hấp dẫn, như một thần dược, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng “có bệnh vái tứ phương”. Nhiều người sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cấp tốc đã gặp họa khi có dấu hiệu suy thận, ngộ độc, đau tim, đột quỵ, nguy cơ mắc chúng mù lòa và có thể đột ngột dẫn tới tử vong.

Trước việc thực phẩm chức năng giảm cân không rõ nguồn gốc bán tràn lan, TS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe trôi nổi chứa chất cấm, đã có cảnh báo người tiêu dùng không mua và không sử dụng; thu hồi, tiêu hủy sản phẩm. Mới đây nhất là thực phẩm giảm cân Detox Táo chứa chất cấm đã làm cô gái trẻ 26 tuổi ở Hà Nội bị mất thị lực. Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp y Quốc gia, sản phẩm này có chứa sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bà Nga cho biết, Bộ Y tế đã ban hành thông tư về danh mục các chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đây là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra, giám sát và cũng là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng xử lý hình sự các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm chức năng. Thiết nghĩ, qua những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng trên, cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chứa chất cấm, thậm chí cần phải áp dụng chế tài mạnh như xử lý hình sự để tạo tính răn đe.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/suyt-mat-mang-vi-thuc-pham-chuc-nang-bai-1--i728899/