Sửa đổi để phù hợp với điều kiện mới
Một trong những nội dung đáng chú ý trong đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) là các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới. Bởi vậy, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để bảo đảm linh hoạt, chủ động điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Dù mới chỉ là đề xuất nhưng đây được xem là “động thái” rất tích cực của Bộ Tài chính. Bởi dù đã có nhiều kiến nghị về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng quan điểm của Bộ Tài chính vẫn là chưa thể thực hiện. Lý do được đưa ra là theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Hiện mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7.2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Rằng mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng, đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần, đồng thời cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ với người phụ thuộc cũng gần với thu nhập bình quân đầu người hiện nay - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Dù lập luận của Bộ Tài chính có đầy đủ cơ sở pháp lý, tuy nhiên, thực tế mức giảm trừ gia cảnh đang được coi là bất cập vì khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ. Liên quan đến nhận định này, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã từng cho rằng, mức giảm trừ 4,4 triệu/người/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế, nhất là ở thành phố lớn, gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế. Mức này duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá, thậm chí có mức giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.
Mặt khác, quy định về mức giảm trừ gia cảnh cũng chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh thực tế cuộc sống hiện nay. Nếu chờ 2 năm nữa thì nhiều người dân phải trong cảnh “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Một bất cập nữa cũng được vị đại biểu Quốc hội này chỉ ra đó là sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa tính CPI.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia và cử tri, luật thuế hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức dựa trên biến động giá của rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng, trong khi hàng hóa thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng hơn 20 mặt hàng, nhưng lại phải chờ tính mức giá trung bình trên 752 mặt hàng thì rất lâu mới được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh - vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh.
Cho nên, khi mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp với thực tế là nhận định phù hợp với thực tế, cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới. Thì vấn đề còn lại như quan điểm của Bộ Tài chính là mức giảm trừ cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả, mức sống dân cư nhưng mức giảm trừ cũng không nên “làm mờ” vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong bảo đảm công bằng xã hội, điều tiết thu nhập. Điều này vô hình trung sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại chính sách thuế đối với người thu nhập cao như giai đoạn trước đây.