Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013Khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam

Việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phù hợp, đúng đắn, nhằm làm rõ hơn địa vị pháp lý, nâng lên vai trò, vị thế quan trọng đáng có của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rộng lớn trong giai đoạn cách mạng mới.

Sửa đổi, bổ sung quy định: “Công đoàn Việt Nam… là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”, nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động…

Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Long An họp mở rộng đóng góp dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: L. Gia

Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Long An họp mở rộng đóng góp dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: L. Gia

Tôi thống nhất cao việc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; không sửa đổi, bổ sung toàn diện, cơ bản Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết.

Nâng lên vị thế quan trọng của Mặt trận Tổ quốc

Cụ thể, đối với việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp, tại khoản 1, tôi tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”… “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”… “phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước”. Điều này phù hợp, rất đúng đắn nhằm làm rõ hơn địa vị pháp lý, nâng lên vai trò, vị thế quan trọng đáng có của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rộng lớn trong giai đoạn cách mạng mới, sau khi các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hợp nhất vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy lần này.

Việc dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định: “Công đoàn Việt Nam… là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; tạo cơ sở pháp lý Hiến định xây dựng các quy định pháp luật phù hợp nhằm chống lại các tổ chức bất hợp pháp (thực tế đã diễn ra) mượn danh đại diện cho người lao động Việt Nam để đề nghị tham gia các tổ chức quốc tế về lao động và công đoàn với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta và tổ chức Công đoàn.

Đồng thời, để không trùng lặp, đề nghị bỏ cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…”. Vì tại khoản 2 Điều 9 của Hiến pháp, dự thảo Nghị quyết đã quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập…”. Tương tự như cách thể hiện của dự thảo Nghị quyết, đã bỏ cụm từ “được thành lập trên cơ sở tự nguyện” trong Điều này, vì đã nêu trong khoản 2 Điều 9 (Công đoàn Việt Nam… được thành lập trên cơ sở tự nguyện…).

Cuối khoản 3 Điều 2, dự thảo Nghị quyết quy định: “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân giữ các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”. Quy định này là cần thiết, phù hợp nhằm thể chế hóa quy định của Đảng tại Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp đặc biệt ở đây cũng không cần phải quy định cụ thể là các trường hợp nào (như có người đề cập) mà các văn bản của cơ quan có thẩm quyền sẽ quy định cụ thể và thực tiễn trong công tác cán bộ Đảng và Nhà nước ta đã từng thực hiện. Trường hợp đặc biệt này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy trước mắt, còn sau này làm theo Luật nên chấp nhận được.

Bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức

Khoản 2, Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Theo tinh thần các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các tổ chức này, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vừa trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vừa có tư cách pháp nhân, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối). Nếu chỉ quy định trực thuộc, mà không quy định có tính độc lập sẽ dẫn đến quy định tiếp theo trong dự thảo Nghị quyết: “cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” không hợp lý.

Do đó, thể hiện lại quy định tại khoản này là: “2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, độc lập tương đối về tổ chức, cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Khoản 1 Điều 110, dự thảo Nghị quyết quy định: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Quy định này có mặt phù hợp, linh hoạt để sau này có thể đặt tên các loại đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là xã, phường, đặc khu hoặc thành phố mà không phải sửa đổi Hiến pháp; nhưng cũng có thể hiểu theo cách khác, là còn có đơn vị hành chính cấp thấp hơn đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, thể hiện lại quy định tại khoản này là: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Khoản 3 Điều 10, giữ lại quy định của Hiến pháp 2013, đó là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương. Bởi đây là quy định nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân đối với vấn đề hệ trọng, thực tế áp dụng phù hợp, không có gì khó khăn hoặc hình thức nếu có cách làm khoa học, chặt chẽ, thực chất. Trên cơ sở đó, đề nghị thiết kế lại khoản này là: “Việc xác định các đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và do Quốc hội quy định”.

Khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp, đề nghị giữ lại thẩm quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của đại biểu Hội đồng nhân dân như quy định của Hiến pháp hiện hành.

ĐẶNG VĂN XƯỚNG, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-khang-dinh-vai-tro-khong-the-thay-the-cua-cong-doan-viet-nam-10373250.html