Sự thật về việc cho trẻ đi tạ mộ cuối năm khiến trẻ bị nhiễm lạnh, vong theo?
Nhiều người lo sợ rằng cho trẻ đi tạ mộ cuối năm sẽ khiến trẻ bị nhiễm lạnh, vong theo. Sự thật về điều này như thế nào?
Không ít gia đình đưa cả trẻ nhỏ đi tạ mộ gia tiên với quan niệm tổ tiên ai chả thương yêu, muốn gần gũi con cháu. Việc trẻ con cùng người lớn viếng mộ tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính. Bên cạnh đó, không hiếm gia đình lo sợ việc cho trẻ đi tạ mộ cuối năm khiến trẻ bị nhiễm lạnh, vong theo?
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội về điều này, Đại đức Thích Trí Thịnh – trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, thuộc công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cho rằng, thường ở các khu an táng, đặc biệt là an táng tươi thì phần khí âm rất mạnh, trẻ nhỏ có thể bị ảnh hưởng phần âm lớn hơn. Bởi vậy, nhiều người hạn chế trẻ đi ra các khuôn viên đó bị nhiễm lạnh, cảm lạnh, không có lợi cho các bạn nhỏ. Nhưng trên thực tế, cuộc sống phát triển, nhiều nơi các gia đình đã có sự lựa chọn khác so với xưa là người mất thường được hỏa táng. Âm khí ở nghĩa trang một phần nào đó có nhưng đã bớt đi rất nhiều. Chỉ với những trẻ ươn người, mệt mỏi thì không nên đi.
"Cá nhân tôi nghĩ nếu không cho các con cháu mình làm việc này có thể đến một ngày nào đó trẻ không nhớ đến tổ tiên ông bà. Hiện nhiều gia đình sinh sống một nơi, an táng phần mộ người thân ở quê, cả năm mới về một lần mà không cho trẻ đi theo, vài năm như vậy khi lớn lên, những người con người cháu sẽ mai một đi và sợ rằng không nhớ được gốc gác, tổ tiên của ông bà mình thế nào hay không biết đến cụ mình thờ cúng ở đâu, mộ đặt ở chỗ nào. Thậm chí, có những người đến đời thứ 3 đã không nhớ đến ngày giỗ chứ không nói tới ngày sinh. Đó là khiếm khuyết xuất phát từ việc chúng ta sợ điều này điều kia mà không cho con cháu mình đi theo như vậy cũng là phần thiếu sót" – Đại đức Thích Trí Thịnh cho hay.
Cũng theo Đại đức Thích Trí Thịnh, khi chúng ta cho con trẻ đi theo tạ mộ ông bà, tổ tiên là tấm lòng của những người con đối với ông bà, bố mẹ quá vãng thì đó cũng là tấm gương cho con cháu. Người lớn làm như vậy và đời sau cũng sẽ tiếp nối theo chúng ta làm. Đây là nét đẹp truyền thống, văn hóa gắn liền đời sống và để giữ gìn nét đẹp đó đừng ngần ngại đưa con cháu đi cùng để biết rõ cội nguồn, quê hương bản quán.
Trong dân gian có vài lưu ý khi cho trẻ đi thăm viếng mộ phần:
- Dùng 1 củ tỏi đặt trong túi quần, áo trẻ đề phòng nhiễm âm khí. Lưu ý dùng xong về thì tới ngã ba đường đầu tiên thì vứt củ tỏi đó đi hoặc dùng quả chuối tây xanh bỏ vào túi áo áp sát người trẻ để âm khí có hút cả vào quả chuối tây đó. Ra về tới chỗ có nước như ao, hồ hãy vứt xuống.
- Khi đến nhà, đốt lửa hoặc dùng tờ giấy báo đốt rồi bước qua 3 lần để đẩy nốt âm khí ra. Cẩn thận hơn, mọi người có thể xông thêm lá thơm, có nơi rắc nước lá bưởi lên đầu để bỏ đi nguồn năng lượng xấu.
- Khi cho trẻ đi tảo mộ cần dạy trẻ thành kính, chú ý việc trẻ nghịch ngợm, tiểu tiện hay nghịch đồ cúng ở mộ phần khác.
- Để đảm bảo an toàn vệ sinh cho trẻ, tránh trẻ lạnh bụng không cho trẻ ăn uống nơi mộ phần hay ăn đồ vừa cúng luôn mà không được làm nóng lại.