"Sự khởi đầu" mới trong quan hệ Nga-Mỹ

ND - Chuyến thăm chính thức LB Nga đầu tiên của Tổng thống Mỹ B.Obama từ ngày 6 đến 8-7 vừa qua được coi là "một bước ngoặt" nhằm hàn gắn quan hệ, thu hẹp bất đồng giữa hai nước.

Kết quả nổi bật trong chuyến thăm Nga của ông Obama là việc hai bên ký kết thỏa thuận khung về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, theo đó nhất trí giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.500-1.765 và số phương tiện phóng các đầu đạn xuống còn 500-1.100 đơn vị. Thỏa thuận này được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm giải quyết một trong những vấn đề gây bất đồng lớn trong quan hệ song phương, đặt cơ sở cho việc ký thỏa thuận mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn một (START-1) sẽ hết hạn vào đầu tháng 12-2009. Các nhà phân tích cho rằng, tiến bộ đạt được trong vấn đề giải giáp hạt nhân giúp hai bên tạo nền móng cho sự tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở đó có thể tiến tới giải quyết những vấn đề toàn cầu bởi Nga và Mỹ hiện sở hữu khoảng 90% số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Một kết quả quan trọng khác là Nga đồng ý cho phép Mỹ sử dụng không phận và lãnh thổ nước này để vận chuyển vũ khí và binh sĩ tới Afghanistan nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố. Đây được coi là vấn đề hai bên có nhiều lợi ích chung nhất bởi cả Washington và Moscow đều mong muốn ngăn chặn các đường dây cung cấp ma túy từ Afghanistan sang Nga. Washington cho rằng, các đường dây này là nguồn cung cấp tài chính cho mạng lưới khủng bố Al Qaeda, trong khi Moscow lo ngại các đường dây ma túy đang làm băng hoại xã hội Nga. Nhờ thỏa thuận này, Chính phủ Mỹ có thể tiết kiệm 133 triệu USD/năm do không phải trả tiền phí tổn bay qua không phận hoặc đỗ máy bay trên lãnh thổ Nga. Hai bên cũng nhất trí tái khởi động các cuộc tiếp xúc quân sự giữa quân đội hai nước từng bị đóng băng sau cuộc xung đột vũ trang tại Gru-di-a tháng 8-2008. Theo nhiều nhà phân tích, chuyến thăm Moscow ba ngày của ông B.Obama đã thể hiện một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Mỹ G.Bush, trong chính sách ngoại giao với quốc gia từng là đối thủ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Tại cuộc hội đàm cấp cao với ông Dmitry Medvedev, cuộc gặp Thủ tướng V.Putin hay trong bài phát biểu ý kiến trước các sinh viên tại Trường đại học Kinh tế ở Moscow, ông Obama đều thể hiện thái độ thiện chí, sẵn sàng hàn gắn mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đóng băng trong thời gian dài. Tổng thống Obama tuyên bố rằng, cách tiếp cận thời chiến tranh lạnh đối với quan hệ Nga-Mỹ đã thuộc về quá khứ, đồng thời nhấn mạnh Washington mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn là đối kháng với Moscow. Tổng thống Medvedev cũng ghi nhận, Chính phủ do Tổng thống Obama điều hành đã chứng tỏ quyết tâm thay đổi tình thế, cải thiện quan hệ với Nga một cách xây dựng và phía Nga cũng sẵn sàng đáp ứng. Ông Medvedev khẳng định, những kết quả đạt được của cuộc hội đàm với Tổng thống Obama là bước đi đầu tiên song rất quan trọng để đem lại luồng sinh khí mới cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, hai tổng thống đều thừa nhận một cuộc hội đàm thì chưa thể giải quyết hết tất cả các bất đồng. Trên thực tế lập trường giữa hai bên về nhiều vấn đề quốc tế vẫn còn khác biệt. Mỹ chỉ trích Moscow công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Apkhazia thuộc Gruzia. Còn Nga tố cáo Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ tỉnh Cosovo của Serbia đơn phương tuyên bố độc lập, đồng thời phản đối kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ tại Đông Âu và việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía đông. Trong khi đó, dư luận vẫn hoài nghi về tương lai của mối quan hệ Nga-Mỹ. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, những thỏa thuận về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giữa hai nước thực chất chỉ là cách giải quyết những vấn đề còn tồn đọng từ thời kỳ chiến tranh lạnh bởi những đầu đạn hạt nhân sẽ được cắt giảm trên thực tế không còn giá trị sử dụng, trong khi những thỏa thuận trên không có hiệu lực đối với những vũ khí tối tân mà hai nước đang sở hữu. Ngoài ra, việc Nga chấp thuận cho Mỹ sử dụng không phận và lãnh thổ để vận chuyển vũ khí và binh sĩ sang Afghanistan cũng kèm theo những điều kiện và giới hạn nhất định. Trong khi đó, Washington chưa chịu nhượng bộ Moscow về kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở CH Séc và Ba Lan, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia Nga. Sau khi Tổng thống Nga và Mỹ ký thỏa thuận khung về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, Moscow và Washington đã bắt đầu vòng đàm phán thứ tư về một hiệp ước mới thay thế START-1 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) từ ngày 22 đến 24-7. Theo đó, hai bên thảo luận các thông số cụ thể của hiệp ước mới cũng như các vấn đề tương quan giữa hiệp ước này với việc triển khai các thành phần của hệ thống NMD của Mỹ tại các nước Đông Âu. Về vấn đề NMD, phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo sau Hội nghị G-8 ngày 10-7 tại La-ki-la (I-ta-li-a), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu Mỹ không đạt được một thỏa thuận với Nga về kế hoạch NMD của Mỹ tại Trung và Đông Âu, Moscow sẽ triển khai các tên lửa tại Ca-li-nin-grát, vùng đất của Nga nằm gần Ba Lan. Tổng thống Medvedev cũng nhắc lại lập trường không thay đổi của Nga về vấn đề NMD của Mỹ, khẳng định NMD là mối đe dọa đối với Nga. Hai tuần sau chuyến thăm Nga của Tổng thống B.Obama, Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã tới thăm Ukraine và Gruzia từ ngày 20 đến 23-7 với các cam kết hợp tác kinh tế và an ninh. Sự kiện này được dư luận nhìn nhận như sự trấn an của Washington đối với hai quốc gia này trước những lo ngại rằng Washington đang có xu hướng xích lại gần hơn với Moscow. Ông Bai-đơn đã tuyên bố rằng, mục đích chuyến đi của ông là nhằm "cân bằng tình hình trong không gian hậu Xô-viết" và khẳng định việc tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga không đồng nghĩa với việc Mỹ sẵn sàng hy sinh mối quan hệ với Ukraine và Gruzia. Mối quan hệ Nga-Mỹ vốn tiềm ẩn nhiều khác biệt và trải qua những bước thăng trầm trong nhiều thập kỷ qua, dường như đã có "sự khởi đầu" mới để tiến tới thu hẹp những bất đồng. Tuy nhiên, để "khởi động lại" quan hệ song phương, hai bên phải vượt qua nhiều rào cản và khác biệt nhằm hướng tới một mối quan hệ bình đẳng, hiệu quả và cùng có lợi. Bích Hạnh

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155008&sub=82&top=45