Tín hiệu răn đe của Mỹ từ tiền đồn chiến lược ở Ấn Độ Dương

Sự hiện diện đồng thời của oanh tạc cơ B-52, tiêm kích F-15 và máy bay tiếp dầu KC-135 tại căn cứ Diego Garcia cho thấy Mỹ đang củng cố sức mạnh không quân tầm xa từ một trong những tiền đồn chiến lược quan trọng nhất ở Ấn Độ Dương.

Diego Garcia - Căn cứ then chốt trong chiến lược quân sự của Mỹ

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 29/6/2025 tại Căn cứ hỗ trợ hải quân Diego Garcia - một đảo san hô thuộc Quần đảo Chagos nằm biệt lập giữa Ấn Độ Dương - cho thấy sự hiện diện của một lực lượng không quân Mỹ quy mô lớn, gồm 4 oanh tạc cơ chiến lược B-52H Stratofortress, 6 tiêm kích đa nhiệm F-15E Strike Eagle và 6 máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker. Đây là tín hiệu rõ ràng về việc Washington đang tăng cường triển khai sức mạnh quân sự trong bối cảnh khu vực Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Hình ảnh vệ tinh xác nhận sự hiện diện của 4 oanh tạc cơ B-52H, 4 tiêm kích F-15, cùng máy bay vận tải C-5 Galaxy, C-17 và máy bay tiếp dầu KC-135 tại căn cứ của Mỹ ở Diego Garcia. Nguồn: X

Hình ảnh vệ tinh xác nhận sự hiện diện của 4 oanh tạc cơ B-52H, 4 tiêm kích F-15, cùng máy bay vận tải C-5 Galaxy, C-17 và máy bay tiếp dầu KC-135 tại căn cứ của Mỹ ở Diego Garcia. Nguồn: X

Hòn đảo này từ lâu đã đóng vai trò là trung tâm hậu cần và hoạt động cho lực lượng Hoa Kỳ, hỗ trợ các nhiệm vụ từ Vịnh Ba Tư đến Biển Đông. Cảng nước sâu, sân bay rộng lớn và thiết bị được bố trí sẵn khiến nơi đây trở thành căn cứ lý tưởng để triển khai sức mạnh nhanh chóng.

Nằm biệt lập giữa đại dương, cách Iran khoảng 3.500 km và Trung Quốc gần 5.000 km, Diego Garcia từ lâu đã đóng vai trò then chốt trong chiến lược quân sự của Mỹ. Với cảng nước sâu, đường băng dài và hệ thống trang thiết bị dự phòng, nơi đây trở thành căn cứ lý tưởng để triển khai sức mạnh nhanh chóng của Mỹ. Trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991, B-52 từng cất cánh từ đây để tấn công Iraq. Đầu những năm 2000, Diego Garcia trở thành bàn đạp không kích tại Afghanistan. Đầu năm nay, căn cứ này cũng là điểm xuất phát trong chiến dịch không kích các mục tiêu Houthi tại Yemen.

Việc tiếp tục triển khai khí tài tấn công tầm xa tại Diego Garcia tái khẳng định vai trò của căn cứ này trong chiến lược răn đe và phản ứng nhanh của Lầu Năm Góc.

Bộ 3 khí tài hợp thành cụm tác chiến không quân tầm xa

Bộ 3 khí tài B-52H, F-15E và KC-135 xuất hiện cùng lúc tại Diego Garcia cho thấy Mỹ đang triển khai mô hình cụm tác chiến không quân tiêu chuẩn: oanh tạc – hộ tống – tiếp dầu. Mỗi thành phần đóng một vai trò khác biệt nhưng bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ thống chiến đấu hiệu quả có khả năng hoạt động độc lập từ căn cứ tiền phương.

Trụ cột của cụm tác chiến là B-52H Stratofortress – oanh tạc cơ ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn giữ vai trò trung tâm trong không lực Mỹ. Với khả năng mang theo tới 31 tấn vũ khí trong hành trình bay hơn 14.000 km không cần tiếp dầu, B-52 có thể phóng tên lửa hành trình như JASSM-ER, nhắm vào các mục tiêu kiên cố mà không cần xâm nhập không phận đối phương. Sự hiện diện của B-52 tại Diego Garcia không chỉ là biểu tượng sức mạnh mà còn là thông điệp răn đe rõ ràng từ Washington.

Hỗ trợ B-52 là F-15E Strike Eagle – tiêm kích đa nhiệm có thể thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Với hệ thống radar AESA hiện đại và kho vũ khí chính xác như JDAM, SDB và JASSM, F-15E có thể tham gia yểm trợ, bảo vệ căn cứ, hoặc thực hiện các cuộc tấn công nhanh vào mục tiêu chiến thuật. Dù không có khả năng tàng hình như F-35, nhưng F-15E vẫn được đánh giá là một trong những chiến đấu cơ tin cậy và linh hoạt nhất hiện nay.

Máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker là yếu tố then chốt giúp duy trì hoạt động liên tục của 2 loại máy bay trên. Với khả năng tiếp nhiên liệu trên không lên tới hơn 90.000 kg mỗi lần, KC-135 cho phép các máy bay chiến đấu vượt qua khoảng cách hàng nghìn km, đặc biệt trong điều kiện Diego Garcia nằm cách xa các điểm nóng. Việc triển khai 6 chiếc KC-135 cho thấy Lầu Năm Góc đã chuẩn bị cho các chiến dịch kéo dài và có cường độ cao.

Sự kết hợp của 3 khí tài này tạo thành một lực lượng cơ động, có khả năng tấn công tầm xa, phòng thủ hiệu quả và duy trì hiện diện quân sự lâu dài – mô hình từng được Mỹ sử dụng tại nhiều chiến trường trong 3 thập kỷ qua.

Toan tính chiến lược của Lầu Năm Góc

Việc triển khai đồng loạt các khí tài chiến lược tới Diego Garcia diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang leo thang. Giữa tháng 6/2025, Israel không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, dẫn đến loạt tên lửa đáp trả từ Tehran. Mỹ phản ứng bằng chiến dịch Búa Đêm (Midnight Hammer), huy động oanh tạc cơ tàng hình B-2 xuất phát từ Căn cứ Không quân Whiteman, bang Missouri, tấn công các mục tiêu quân sự và hạt nhân trên lãnh thổ Iran.

Dù không trực tiếp tham gia chiến dịch “Búa Đêm”, Diego Garcia vẫn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự khác của Mỹ trong năm 2025. Trước đó, oanh tạc cơ B-2 từng cất cánh từ căn cứ này để thực hiện loạt không kích nhắm vào lực lượng Houthi (ở Yemen) - một trong những đồng minh trong trục kháng chiến của Iran, cho thấy giá trị chiến lược của Diego Garcia như một điểm xuất phát an toàn và hiệu quả cho các chiến dịch tầm xa.

Việc duy trì thường trực lực lượng không quân hạng nặng tại đây cho thấy Lầu Năm Góc tiếp tục coi Diego Garcia là “pháo đài nổi” trong chiến lược răn đe và phản ứng nhanh tại hai khu vực trọng yếu: Trung Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoài Iran, động thái triển khai khí tài lần này cũng có thể gắn với chiến lược kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện diện tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Diego Garcia tiếp tục được xem là đối trọng chiến lược của Mỹ trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng hàng hải của Bắc Kinh.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), sự hiện diện của B-52 và F-15E tại Diego Garcia là một phần trong “chiến lược kép” của Mỹ: vừa răn đe đối thủ, vừa sẵn sàng phản ứng nhanh với các tình huống bất ngờ. Báo cáo của RAND Corporation cũng nhấn mạnh vai trò của căn cứ này trong việc đảm bảo “tính linh hoạt chiến lược” của Mỹ, đặc biệt trước sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng cảnh báo việc tập trung quá nhiều khí tài có giá trị cao tại một điểm – dù biệt lập – có thể tạo ra điểm yếu trong thời đại tên lửa siêu vượt âm và vũ khí tầm xa chính xác. Báo cáo của RAND năm 2024 từng đề xuất tăng cường năng lực phòng thủ chủ động cho Diego Garcia, bao gồm triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Trung tướng Greg Bagwell, cựu Phó Tư lệnh tác chiến Không quân Hoàng gia Anh, nhận định Diego Garcia có thể vận hành các chiến dịch tầm xa hiệu quả hơn nhiều so với các căn cứ gần vùng xung đột. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Mỹ cần cân nhắc phân tán lực lượng để giảm thiểu rủi ro nếu xung đột lan rộng hoặc kéo dài.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Bulgarian Military, Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/tin-hieu-ran-de-cua-my-tu-tien-don-chien-luoc-o-an-do-duong-post1211564.vov