'Sự im lặng đáng sợ' khiến bé gái 8 tuổi bị bạo hành tới tử vong
'Chúng ta đừng làm qua loa mà phải làm quyết liệt, đến cùng, đến khi có người can thiệp, bảo vệ trẻ thì thôi', bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em nhấn mạnh.
Vụ việc bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, ngụ quận 1, tạm trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) nghi bị người tình của bố bạo hành dẫn tới tử vong mới đây đang gây xôn xao dư luận.
Tối 27/12, nhiều người sống tại chung cư Sài Gòn Pearl, quận Bình Thạnh (TP.HCM), tập trung để thắp nhang, cầu nguyện cho bé gái xấu số.
Bé V.A. (8 tuổi) bị người yêu của bố là Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) nghi bạo hành dẫn đến tử vong vào ngày 22/12. Dù được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng bé đã không qua khỏi vì thương tích nặng. Phía bệnh viện xác nhận bé V.A tử vong do phù phổi, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím.
Cháu V.A. là con của ông T. Ông T. và Quỳnh Trang sống với nhau như vợ chồng tại một căn hộ ở khu chung cư cao cấp, phường 22, quận Bình Thạnh.
Hiện tại, nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang đã bị công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Hành hạ trẻ em”.
VietNamNet đã có chia sẻ với bác sĩ (Bs) Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em.
Theo Bs An, bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành dẫn tới tử vong là một điều quá đau xót. Cháu bé bị bạo hành không chỉ ngày một ngày hai mà trong suốt hiều ngày, thậm chí cả năm.
Vì một lý do nào đó, những đứa trẻ khiến người lớn tức giận rồi bị nhận đòn roi và những lời xúc phạm, chì chiết. Lâu dần, những hành động bạo hành nhỏ biến thành lớn rồi trở thành những trận đánh đập gây thương tích thậm chí cướp đi sinh mạng người khác. Vậy khi đó, các cơ quan, chính quyền đoàn thể ở đâu?
Luật trẻ em 2016 quy định rõ ràng, nghiêm cấm mọi hình thức bạo hành trẻ em. Luật hình sự cũng quy định, gây ra những tổn thương cơ thể người khác trên 11% là có thể phạt hình sự từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, đối với trẻ em, đừng đợi có những tổn thương trên cơ thể mới xử lý.
“Hậu quả bạo hành nghiêm trọng dẫn tới việc bé gái 8 tuổi tử vong là điều vô cùng đau xót. Đó không chỉ là tội ác của những kẻ chung sống với bé gái, đó còn là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người xung quanh, đặc biệt là những người được giao trọng trách bảo vệ trẻ em ở địa phương đó. Đó là tất cả những cán bộ đoàn thể là đoàn viên thanh niên, cán bộ phụ nữ tại chung cư, phường, nơi gia đình bé V.A cư trú.
Chỉ cần phát hiện dấu hiệu bạo hành, những người xung quanh cần thông báo ngay với các cơ quan có trách nhiệm. Hàng xóm có thể thông báo với bảo vệ, ban quản lý tòa nhà. Không được, họ có thể thông báo tới cấp cao hơn, gọi điện cho chính quyền, công an, chủ tịch phường…
Khi nhận thông tin trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, cơ quan chính quyền ngay lập tức phải cách ly đứa trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc. Đừng để đến khi bé bị hành hạ, đánh đập nhiều lần mới chịu can thiệp, lên tiếng”, Bs An cho hay.
Bs An cũng đặc biệt nhấn mạnh đến “sự im lặng đáng sợ”. Tại sao các cơ quan đoàn thể lại không can thiệp khi thấy sự việc một đứa trẻ bị chính cha/mẹ của mình đánh đập?
Việc bạo hành trẻ nhỏ dù là bạo hành về thể xác hay tinh thần đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bất cứ hành vi lăng mạ, đòn roi nào cũng có thể khiến trẻ bị rối nhiễm tâm trí dẫn tới trầm cảm, thậm chí tự tử. Vậy nên phải can thiệp ngay từ khi sự việc manh nha, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
“Chúng ta, người dù xa lạ hay thân thiết, hãy đứng ra bảo vệ những đứa trẻ, bảo vệ tuổi thơ của con. Thương xót, đồng cảm, đau đớn là điều nên làm nhưng chưa đủ. Khi biết vụ việc có dấu hiệu bạo hành, ngay lâp tức chúng ta thông báo với các cơ quan có thẩm quyền, những tổ chức liên quan, cấp thấp không được thì thông báo với cấp cao hơn. Chúng ta đừng làm qua loa mà phải làm quyết liệt, đến cùng, đến khi có người can thiệp, bảo vệ trẻ thì thôi”, Bs An nhấn mạnh.