Sự học suốt đời của Francis Chin - Thạc sĩ ngành Truyền thông đại chúng ở tuổi 51
Sau nhiều thập kỷ làm việc trong ngành Báo chí, Francis Chin quyết định học cao học và nhận bằng Thạc sĩ ngành Truyền thông đại chúng tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore ở tuổi 51.
Francis Chin - người đàn ông sở hữu bằng cử nhân ở tuổi 41, bằng thạc sĩ ở tuổi 51
Kỳ thi O Level là kỳ thi được đồng tổ chức bởi Bộ giáo dục và đào tạo Singapore và Cục khảo thí quốc tế của trường Đại học Cambridge. Chứng chỉ O Level được quốc tế công nhận và là tiêu chuẩn để đăng ký vào các trường Cao đẳng, dự bị Đại học.
Sau khi hoàn thành kỳ thi Cao cấp Cambridge - tương đương với kỳ thi O Level ngày nay tại Trường Trung học Beatty vào năm 1967, Francis Chin lúc đó 16 tuổi đã bắt đầu làm nhân viên nhập dữ liệu trong khi tham gia các lớp học buổi tối trong 2 năm để sở hữu chứng chỉ A-level (bằng tốt nghiệp giáo dục cơ bản).
Ông Francis Chin, năm nay đã 72 tuổi, cho biết: "Việc học tập suốt đời của tôi bắt đầu từ đó. Tôi nhận ra khi sở hữu bằng tốt nghiệp giáo dục cơ bản, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao hơn".
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1972, ông Francis Chin đã làm rất nhiều công việc hành chính trước khi xin làm việc tại tờ báo New Nation vào năm 1977. Ông là một trong những nhà báo đầu tiên trải qua khóa học đưa tin và biên tập cơ bản.
Từ đó, ông Francis Chin đã tự xây dựng kỹ năng viết, biên tập và quản lý của mình khi làm việc tại một số cơ quan báo chí và truyền thông.
Gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực báo chí, ông Francis Chin nhận thấy bản thân phải luôn học tập và nâng cao kỹ năng chuyên môn để phát triển nghề nghiệp. Vậy nên bất chấp chi phí học cao và lịch trình làm việc bận rộn, ông Francis Chin vẫn cố gắng đầu tư để tham gia các lớp học vào buổi tối.
Năm 1992, khi ở độ tuổi 41 tuổi, ông Francis Chin bắt đầu khóa học kéo dài 4 năm tại Trường Bách khoa Ngee Ann, Singapore để lấy bằng Cử nhân Văn học và Tiếng Anh do Đại học Mở ở Anh tổ chức.
"Thật khó khăn khi quyết định tham gia chương trình đào tạo 4 năm và các buổi học đều vào buổi tối. Bởi khi học tại Trường Bách khoa Ngee Ann, tôi đang là nhà báo cho tờ The New Paper", ông Francis Chin chia sẻ.
Năm 2002, với tư cách là biên tập viên cấp cao và phụ trách nội dung cho một cơ quan báo chí, ông Francis Chin đã bắt đầu khóa học Thạc sĩ ngành Truyền thông đại chúng kéo dài 2 năm tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore ở tuổi 51.
Vào năm 2015, sau 3 năm làm việc với tư cách người quản lý nội dung và xuất bản tin cho một trường đại học, ông Francis Chin đã nghỉ hưu ở tuổi 65.
"Tôi thực sự rất buồn khi phải chia tay với công việc sau hàng chục năm gắn bó. Tôi không thể gia hạn hợp đồng vì lý do tuổi tác", ông Francis Chin bày tỏ.
Sau khi nghỉ hưu, ông Francis Chin tiếp tục đảm nhận công việc tự do với tư cách là nhà tư vấn truyền thông và xây dựng dự án cho các công ty truyền thông. Nhưng vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, ông Francis Chin lại bị gián đoạn công việc.
Và đây cũng là thời điểm ông Francis Chin nhận ra rằng, bản thân cần phải học hỏi và nâng cao kỹ năng về công nghệ trong thời đại 4.0. Do đó, vào tháng 3 năm 2021, người đàn ông 70 tuổi này đã đăng ký Khóa học liên kết Phân tích dữ liệu của Chương trình chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khóa học này, ông Francis Chin là học viên lớn tuổi nhất.
Theo học khóa học 9 tháng này, ông Francis Chin đã gặp phải thách thức khi phải học về các ngôn ngữ lập trình Python và SQL cho phép xử lý, sắp xếp và truy vấn dữ liệu để phân tích.
Với khả năng giao tiếp thông minh và đam mê học hỏi, ông Francis Chin đã được Giám đốc Công ty Công nghệ Xaltius mời về làm việc với vị trí là người phát triển nội dung khoa học dữ liệu. Làm việc tại công ty, ông Francis Chin có nhiệm vụ thu thập nội dung phức tạp về khoa học dữ liệu trước khi tổng hợp thành thông tin dễ hiểu để các nhân sự của Công ty Xaltius có thể sử dụng.
Sau 2 năm làm việc với Công ty Xaltius, ông Francis Chin đang quay trở lại với công việc biên tập ban đầu của mình và hoàn thành phần tiếp theo của cuốn sách mà ông đã xuất bản vào năm 2015.
Ngẫm nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp học hành của mình, ông Francis Chin nói: "Đó là một hành trình đòi hỏi cần có sự nỗ lực bền bỉ. Bạn phải tiếp tục bước đi ngay cả khi bạn không muốn làm. Nhưng sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng nó thực sự dễ dàng và sẽ thích nó".
Nguồn: Asian One