Su-57 rơi vì lỗi điều khiển, le lói 'ánh sáng cuối đường hầm' cho Nga
Hệ thống điều khiển gặp trục trặc được cho là nguyên nhân khiến tiêm kích tàng hình Su-57 gặp nạn tại Nga hôm 24-12. Nếu điều này được xác thực thì đây vẫn sẽ là tín hiệu vui thay vì trục trặc động cơ mới khiến máy bay rơi.
"Máy bay gặp tai nạn khi đang bay thử nghiệm ở độ cao 8.000 m. Sau khi hệ thống điều khiển bị hỏng, chiếc tiêm kích lao xuống theo vòng xoáy, mất độ cao và sau đó đâm xuống đất", một nguồn tin trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay cho biết ngày 24-12.
Một nguồn tin khác cho hay, hệ thống điều khiển đuôi của chiếc tiêm kích gặp trục trặc, khiến phi công không thể kiểm soát được máy bay trước khi tai nạn xảy ra. Nếu hệ thống điều khiển được xác định là nguyên nhân chính thì đây vẫn là tín hiệu khả quan cho Nga thay vì lỗi động cơ mới khiến chiếc máy bay này bị rơi. Động cơ mới vẫn đang được coi là "nút thắt" cuối cùng để Nga hoàn thiện chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, hiện lô sản xuất loạt đầu tiên vẫn đang dùng động cơ của Su-35.
Nếu không phải động cơ trục trặc trong vụ tai nạn vừa rồi, điều này đồng nghĩa với việc tiến độ thử nghiệm để hoàn thiện động cơ cho chiến đấu thế hệ thứ 5 vẫn diễn ra đúng tiến độ.
Chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 rơi trong lúc bay thử động cơ gần thành phố Komsomolsk-on-Amur thuộc vùng Khabarovsk, Đông Nam nước Nga. Phi công phóng ghế thoát hiểm an toàn, không bị thương và được trực thăng Mi-8 đón về nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk-on-Amur Gagarin.
Một nguồn tin cho biết, chiến đấu cơ bị rơi nằm trong lô Su-57 sản xuất hàng loạt đầu tiên, dự kiến bàn giao cho quân đội Nga ngày 27-12. Hai hộp đen của phi cơ trong tình trạng nguyên vẹn đã được tìm thấy ở khu vực máy bay rơi, cách sân bay Dzyomgi khoảng 120 km. Giới chuyên gia cho rằng chiếc Su-57 có thể bị rơi khi bay thử ở tốc độ cao nhất để kiểm tra động cơ.
Nga phát triển tiêm kích thế hệ năm Su-57, từng được gọi là PAK-FA, từ đầu thập niên 2000 để cạnh tranh với F-22 và F-35 của Mỹ cùng J-20 của Trung Quốc. Su-57 có thiết kế và công nghệ để tăng khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương, có thể mang theo nhiều loại vũ khí, trong đó có tên lửa siêu vượt âm.
Chuyến bay thử đầu tiên của Su-57 diễn ra tháng 1-2010 tại Komsomolsk-on-Amur sau nhiều lần trì hoãn. Su-57 từng được triển khai tới Syria hồi tháng 2-2018 và tháng 12 năm nay để kiểm tra hoạt động và thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Nga quyết định đặt mua 76 tiêm kích Su-57 hồi tháng 6 sau khi nhận yêu cầu từ Tổng thống Vladimir Putin.