Su-35 Nga đứng trên F-35 Mỹ hai bậc trong bảng xếp hạng

Những máy bay tiêm kích tốt nhất của các nước Trung Đông

Xin giới thiệu tiếp bài viết chuyên đề vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự, kỹ sư thiết kế tên lửa Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” cùng nhiều báo Nga khác ngày 18/11/2020.

Tiêm kích Su-35 (F (Ảnh: Marina Lystseva / TASS)

Tạp chí chuyên ngành quân sự Mỹ Military Watch mới lập bảng xếp hạng những kiểu máy bay tiêm kích tốt nhất đang có trong trang bị của không quân các nước khu vực Trung Đông.

Trong bảng xếp hạng này có năm (5) máy bay từ các nhà sản xuất khác nhau. Cần lưu ý là các chuyên gia khi lập bàng xếp hạng đã không tính tới những máy bay mà các nước khác triển khai tại các căn cứ quân sự trong khu vực này.

Ngoài ra, bảng xếp hạng cũng không tính tới những máy bay tiêm kích đã được đặt mua theo các hợp đồng đã ký nhưng hiện chưa bàn giao.

1. Đứng ở vị trí đầu bảng là chiếc máy bay tiêm kích thế hệ 4 ++ Su-35 của Nga. Theo Military Watch, đây là chiếc máy bay tốt nhất không chỉ tại khu vực Trung Đông, mà còn ở trên lục địa Châu Phi.

Nó có nhiều ưu điểm, và tập hợp những ưu điểm đó đã biến nó trở thành một chiếc máy bay rất đáng sợ, có khả năng không chỉ giành chiến thắng trong các trận không chiến, mà còn thực hiện các cuộc tấn công mạnh, có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu mặt đất. Kiểu máy bay này hiện đang được Không quân Ai Cập khai thác.

Su-35 có các tính năng bay tuyệt vời nhờ hình dạng tối ưu của khung thân máy bay và một động cơ mạnh vòi phun chỉnh hướng phụt.

Radar của Su-35 cũng vượt mặt các đối thủ nhờ công suất tín hiệu quét cao và khả năng xử lý hiệu quả thông tin thu được từ ăng-ten mảng pha, - nhờ vậy mà phi công Su-35 nhìn thấy máy bay địch, kể cả máy bay lớp "tàng hình", ở cự ly xa kỷ lục.

Tất nhiên, công suất bức xạ lớn của radar cũng làm Su-35 “lộ diện” trước đối phương.

Nhưng, để bù lại, trước hết, trong số các vũ khí của nó có tên lửa “không đối không” R-37M tầm bắn tới 300 km. Có nghĩa là xa hơn 120 km so với tầm bắn của tên lửa AIM-120 Mỹ. Nhờ vậy, phi công điều khiển Su-35 sẽ nhìn thấy đối phương trước và ấn nút phóng tên lửa trước.

Thứ hai, Su-35 được trang bị một hệ thống tác chiến điện tử mạnh- hệ thống này bảo vệ máy bay rất hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương.

2. Tiếp theo là chiếc F-15 "trẻ mãi không già" của Mỹ. Nó ra đời cách đây 45 năm “trong vai trò” là một máy bay tiêm kích hạng nặng thế hệ 4 “thuần túy”.

Tiếp theo đó, sau một loạt các đợt hiện đại hóa, không chỉ chất lượng của nó được nâng lên, mà “lĩnh vực chuyên môn hóa” cũng thay đổi. Cuối những năm 1980, F-15E đã trở thành máy bay tiêm kích-ném bom. Rất không lâu nữa sẽ xuất hiện phiên bản máy bay tiêm kích đa năng F-15SE.

Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê Út hiện đang khai thác khoảng một trăm máy bay tiêm kích-ném bom F-15SA (Saudi Advanced), được chế tạo theo đơn đặt hàng của Riyadh.

Đó là một máy bay tấn công xuất sắc, có khả năng thực hiện các đòn không kích chính xác nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất nhờ có tải trọng tác chiến lớn- tới 11 tấn và hệ thống điều khiển vũ khí được thiết kế hoàn hảo.

Nhưng cũng vì thế, chức năng “tiêm kích” của chiếc máy bay này có phần nào kém đi. Một ví dụ cụ thể, tại Iraq, một chiếc F-15E đã bị bắn hạ sau khi thua trong trận không chiến với chiếc tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 của Không quân Iraq.

Military Watch cũng nêu bật những ưu điểm của chiếc máy bay này như cấu hình máy tính hiện đại, có hệ thống tác chiến điện tử mạnh, các kênh truyền dữ liệu cho phép máy bay tham gia vào các cuộc chiến tranh lấy mạng làm trung tâm.

Vâng, và cũng có chút chỉ trích là khả năng “tàng hình” của F- 15 không cao. Tuy nhiên, dù sao đây là một cáo buộc không công bằng của Military Watch, bởi vì trong bảng xếp hạng mà chúng ta đang xem xét, khả năng tàng hình của các máy bay đều không quá xuất sắc. Trừ trường hợp ngoại lệ là chiếc máy bay xếp ở vị trị thứ ba sau đây.

3. Vị trí thứ ba: Máy bay tiêm kích-ném bom thế hệ thứ 5 khét tiếng của Mỹ là F-35A đang có trong trang bị của Không quân Israel. Các nhà sản xuất đã cố tình đánh giá quá cao các đặc tính của nó.

Và tuy họ đã bị “bắt quả tang” trong công việc này nhưng họ vẫn tiếp tục theo đuổi “đường lối” tung hô thái quá của mình Một ví dụ, F-35A được cho là không cần tăng tốc vẫn có thể bay với tốc độ siêu âm.

Tuy nhiên, người ta đã xác nhận được thấy rằng ở chế độ bay này, tốc độ của F-35 khó có thể đạt tốc độ âm thanh.

Vâng, tất nhiên, F-35 có nhiều cảm biến cực nhạy, một trong số đó thậm chí còn có thể phát hiện được các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Một radar ăng ten mạng pha rất hiện đại có thể “ngụy trang” được hoạt động của mình.

Dĩ nhiên, phải thừa nhận một thành tựu không thể tranh cãi của các công trình sư thiết kế F-35 về khả năng “tàng hình” của nó trước các radar và hệ thống theo dõi hồng ngoại.

Tuy nhiên, việc không được xếp ở vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng như người Mỹ thường đòi hỏi, mà chỉ đứng ở vị trí thứ ba- cũng là hoàn toàn “hợp quy luật”. Bởi vì cho đến thời điểm hiện tại, F-35 vẫn chưa phải là một chiếc máy bay chiến đấu, - về bản chất, mới chỉ là một “bán thành phẩm”.

Các kỹ sư lập trình đã nhiều năm liền miệt mài cày xới trong "bộ não" của nó để sửa vô số lỗi sai. Và về mặt chính thức, nó được coi là vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc chiến, dù là một cuộc chiến tranh cường độ trung bình.

Một ngày nào đó không xa, không nghi ngờ gì nữa, phần mềm trên máy bay F-35 sẽ được hiệu chỉnh và hoàn thiện. Tuy nhiên, sẽ không thể làm gì đối với những “tội lỗi” thiết kế.

Để đạt được khả năng tàng hình tối đa, đành phải hy sinh các tính năng bay. Những tính năng bay của F-35 là tệ nhất so với tất cả các máy bay tiêm kích thế hệ 3 và thế hệ 4 từng được chế tạo từ trước đến nay.

Cũng vì lý do đó, các khả năng tấn công của F-35 là khá thấp, chúng cũng không thể tham gia các cuộc không chiến kéo dài. Khoang bên trong của nó chỉ chứa được 4 quả tên lửa.

Thực ra, máy bay này có thể mang một số lượng đáng kể bom bay. Tuy nhiên, nếu như vậy (mang bom bay) thì những cam đoan có cánh của đại diện "Lockheed Martin" về việc chiếc máy bay này có thể tiến hành các đòn tấn công mà không phải bay vào khu vực phòng không của đối phương- đó lại là một sự bốc phét không hơn không kém.

(Vì) Bom AGM-154 Joint Standoff Weapon có khả năng bay trong không khí khoảng hơn 100 km một chút. Và trong bán kính này- thì lại đã là khu vực chịu trách nhiệm của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung.

4. Khá bất ngờ đối với nhiều người, nhưng Tạp chí Military Watch Mỹ lại xếp chiếc máy bay tiêm kích- đánh chặn hải quân (trên tàu sân bay) đã bị Mỹ loại biên từ 15 năm trước đây là F-14 Tomcat vào vị trí thứ 4.

Tuy nhiên, chiếc máy bay “Tomcat” sau khi đã được các kỹ sư Iran hiện đại hóa, hiện vẫn đang có trong trang bị của Không quân nước này.

Máy bay F-14 Tomcat đến Iran trong giai đoạn Shah Pahlavi (Mohammad Reza Pahlavi- Vua Iran từ năm 1941 đến 2/1979-ND) đang có quan hệ tốt đẹp với Washington, tức là trong các năm 1974-1976. Tổng cộng Iran khi đó đã mua 79 chiếc F-14.

Chiếc máy bay này vào thời điểm đó đáng sợ đến nỗi khi nó xuất hiện trong trang bị của Không quân Iran, những chiếc MiG-25 của Liên Xô đã không còn dám thực hiện các chuyến bay trinh sát xâm nhập không phận Iran nữa.

Những đã có khoảng 15 chiếc trong số này bị bắn hạ trong cuộc chiến tranh với Iraq. Số còn lại vẫn đang hoạt động nhờ các nhà máy Iran đã làm chủ được công nghệ sản xuất phụ tùng , linh kiện thay thế. Không chỉ thế, máy bay còn đã được hiện đại hóa.

Đã thay radar “bản gốc” bằng một radar mới do Iran tự thiết kế mạnh hơn. Thêm nữa, tên lửa không đối không “Phoenix” Mỹ cũng được tăng tầm bắn lên gấp đôi, và tới 300 km. Vì vậy, Iran có thể tự bảo vệ được mình cả trên biển lẫn trên không.

5. Nhiều người nghĩ rằng máy bay tiêm kích “Typhoon” Châu Âu đang có trong trang bị của Không quân Ả Rập Saudi lẽ ra phải được xếp thứ hạng cao hơn. Tuy nhiên, Riyadh đã mua không phải kiểu máy bay hiệu quả nhất – họ mua “Typhoon” Tranche-2.

Chúng khác với Tranche-3 theo hướng tệ hơn ở chỗ không có radar ăng ten mạng pha. Trên phiên bản mới có thùng nhiên liệu mới hoàn thiện hơn, một động cơ có lực đẩy mạnh hơn và một máy tính hiệu quả hơn với gói phần mềm mới.

Vì vậy, vị trí thứ 5 mà Military Wach Mỹ xếp cho “Cơn bão” ( Typhoon”) này là khá công bằng và xứng đáng.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-35-nga-dung-tren-f-35-my-hai-bac-trong-bang-xep-hang-3422831/