STB giao dịch đột biến, thị trường điều chỉnh nhẹ
Nỗ lực đi ngược thế giới vẫn tiếp diễn trong phiên hôm nay nhưng VN-Index không thực sự thành công do thiếu sức mạnh từ nhóm cổ phiếu lớn. Dù vậy chỉ số này vẫn giảm rất nhẹ so với các thị trường khác.
Vẫn có giao dịch đột biến
Chứng khoán thế giới đêm qua xuất hiện đợt bán tháo rất mạnh, nhiều chỉ số tại châu Âu giảm tới 3%, chứng khoán Mỹ cũng giảm hơn 1,8% ở DJIA, giảm 1,16% tại S&P500. Thực trạng này đã tác động khá mạnh lên chứng khoán châu Á hôm nay: Trung Quốc giảm 1,29%, Hồng Kông giảm 1,01%, Đài Loan giảm 1,17%...
Chứng khoán Việt Nam cũng điều chỉnh khá mạnh những phút đầu tiên. VN-Index tạo đáy 902,47 điểm khoảng 20 phút sau khi mở cửa, giảm 0,6% so với tham chiếu. Tuy nhiên sau đó là những nỗ lực mua khá tốt đẩy thị trường đi ngược thế giới. Đến đầu phiên chiều chỉ số này đã vượt được tham chiếu, nhưng lại rơi vào một đợt chốt lời như chiều qua và đóng cửa giảm 0,19%.
Thị trường về cơ bản kém tích cực khi có quá nhiều cổ phiếu giảm giá. HSX cứ 1 mã giảm chỉ có 0,61 cổ phiếu tăng giá. Đặc biệt là cổ phiếu trụ duy nhất chỉ là VCB. Bản thân mã này cũng chịu sức ép không nhỏ. Ban đầu giá tăng lên 84.400 đồng, trên tham chiếu 1,69%. Cuối phiên giá chỉ còn tăng 1,2%. Trong khi đó VIC lại đóng cửa giảm tới 1,46%, VHM giảm 0,39%, VNM giảm 0,38%, SAB giảm 0,53%, GAS giảm 1,24%, BID giảm 0,25%.
VN-Index giảm thực chất cũng không chỉ do mất nhóm cổ phiếu dẫn dắt mà số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo cũng thể hiện diễn biến kém tích cực đã xuất hiện. Bù lại thị trường vẫn thu hút chú ý ở một số mã đột nhiên giao dịch cực mạnh.
STB trên sàn HSX là trường hợp nổi bật nhất khi giá tăng kịch trần bất chấp phần lớn nhóm ngân hàng giao dịch kém. Đặc biệt là thanh khoản của STB lớn chưa từng thấy trong gần 3 năm với 45,7 triệu cổ tương đương 563,6 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch phần rất nhỏ tại STB. Nhà đầu tư trong nước đột ngột mua bán tới 2,4% tổng lượng niêm yết của STB trong một ngày là rất nhiều.
Sàn HNX cũng xuất hiện bất ngờ tại PVS khi thanh khoản cũng lập kỷ lục 8 tháng với 15,6 triệu cổ trị giá 206,8 tỷ đồng. Khối lượng này cũng tương đương 3,5% lượng niêm yết của PVS. PVS tăng giá 4,65%, mạnh nhất 2 tháng. Cổ phiếu này cũng giống STB trong nhóm ngân hàng, nhiều mã dầu khí khác giảm nhưng PVS vẫn tăng tốt.
Với số lớn cổ phiếu giảm giá, nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng không có biến động lớn. Một vài mã tăng khá tốt với thanh khoản cao là FMC tăng 6,71%, HPX tăng 3,41%, PET tăng 3,19%, MHC tăng 2,85%... Chỉ số của nhóm Midcap chỉ tăng 0,2%, Smallcap giảm 0,38%. Nhóm VN30 tăng 0,14% với 13 mã tăng và 14 mã giảm. Ngoài STB và VCB, thì chỉ còn KDH tăng 1,64%, MWG tăng 1,22% là đáng kể.
Thanh khoản duy trì cực lớn
Với giao dịch cực lớn của STB, thị trường tiếp tục xuất hiện mức thanh khoản rất cao sang ngày thứ hai. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt tới 7.010 tỷ đồng, xấp xỉ hôm qua. Đây là ngưỡng thanh khoản cực lớn vì trừ thời điểm đỉnh đầu tháng 6 vừa qua, thị trường chưa hề đạt được hai phiên liên tiếp có giá trị khớp lệnh lớn như vậy.
Tuy vậy cũng phải nhấn mạnh rằng thanh khoản duy trì được cường độ như vậy hôm nay là nhờ STB tăng quy mô tới 2,7 lần so với hôm qua. Điều đó cũng có nghĩa là thanh khoản ở nhiều cổ phiếu đã yếu đi một chút. Cụ thể, tính chung cả nhóm VN30, giá trị giao dịch tăng nhẹ khoảng 37 tỷ đồng so với hôm qua nhưng STB tăng hơn 350 tỷ đồng. Vì thế 29 cổ phiếu còn lại thực chất là giảm thanh khoản.
VN-Index để mất 1,75 điểm hôm nay không phải là vấn đề lớn, mà câu chuyện là dòng tiền vào đang cực mạnh sau khi chỉ số này nỗ lực thoát ra khỏi ngưỡng kháng cự 900-905 điểm. Mức đóng cửa của chỉ số hôm nay là 906,19 điểm nhưng vẫn chưa thực sự bùng nổ được. Thanh khoản quá lớn trong thời điểm như vậy có khả năng là nhà đầu tư vẫn đang chốt lời rất nhiều.