'Sống mòn' bên những mỏ đá - Bài 1: Hệ lụy khôn lường
Từ khi các mỏ đá trên địa bàn thôn Quý Long, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) đi vào hoạt động, hơn 20 hộ dân ở đây luôn phải sống trong bụi bặm, tiếng ồn từ hoạt động khai thác và sản xuất của các mỏ. Nghiêm trọng hơn, nhiều căn nhà của người dân đang có dấu hiệu bị nứt toác.
1 thôn “gánh” 3 mỏ đá
Hiện trên địa bàn xã Cẩm Quý có các doanh nghiệp đang khai thác 3 trong số 4 mỏ đá gồm: Công ty CP sản xuất và thương mại Tự Lập (DN Tự Lập) được cấp phép theo quyết định số 422 ngày 7/12/2015; Công ty TNHH Anh Tuấn (DN Anh Tuấn) được cấp phép theo quyết định số 74 ngày 9/2/2015 và Công ty TNHH Hoàng Nhân (DN Hoàng Nhân) được cấp phép theo quyết định 2269 vào ngày 21/8/2006.
Nằm đối diện các mỏ đá này là hơn 20 hộ dân sống ở thôn Quý Long. Theo phản ánh, từ khi các mỏ đá đi vào hoạt động, tiếng ồn và bụi từ máy nghiền, nhà xưởng xẻ đá và hoạt động khai thác, nổ mìn khiến người dân đinh tai nhức óc, khốn khổ vô cùng.
Anh Nguyễn Đình Mạnh (thôn Quý Long) cho biết: Việc nổ mìn phá đá của các doanh nghiệp chủ yếu diễn ra vào buổi trưa và chiều tối gây rung lắc, bụi bao trùm cả khu vực dân cư. “Nhiều năm về trước, họ nổ mìn làm đá bay xuống ruộng khiến người dân đang làm đồng nhiều phen kinh hãi. Nghiêm trọng hơn, có lần, đá còn bay vào nhà dân, làm thủng cả mái tôn. Trong hoạt động vận chuyển, các xe chở đá có dấu hiệu quá tải thường xuyên ra vào mỏ lấy hàng với tần suất dày đặc, gây hư hỏng đường sá, kéo bụi mù mịt trên khắp quãng đường khiến người dân rất bức xúc”- anh Mạnh nói.
Ngày 13, 14, 15/3, có mặt tại khai trường của 3 mỏ đá trên, qua ghi nhận của chúng tôi cho thấy, những phản ánh của người dân là có cơ sở.
Cụ thể, từ vị trí dân cư đến các mỏ đá chỉ cách khoảng 100m, tại khu vực mỏ không có biển báo nêu rõ thời gian nổ mìn để người dân nắm bắt. Đáng chú ý, kho mìn của DN Tự Lập nằm quá gần khai trường của mỏ (cách khoảng 20m), còn kho mìn của DN Anh Tuấn, tuy cách xa nhưng lại được đặt giữa cánh đồng, ở nơi người dân thường xuyên có mặt để canh tác, sản xuất, trồng hoa màu. Cả 2 khu vực chứa mìn này, theo quan sát, đều không đảm bảo an toàn.
Nhiều ngôi nhà nứt toác
Khoảng 12h ngày 15/3, khi đang trao đổi với người dân, chúng tôi giật mình khi có tiếng nổ mìn lớn phát ra từ một mỏ đá, vụ nổ từ mỏ khiến mặt đất rung lên, hàng trăm khối đá trên đồi rơi xuống, kèm theo đó là bụi bay mù mịt. Thấy chúng tôi bất ngờ trước hiện trạng này, chị Cao Thị Phượng (trú thôn Quý Long) cho biết: Số mìn hôm nay mỏ Anh Tuấn nổ còn ít, kém xa so với mọi ngày. “Bụi từ việc nổ mìn thì người dân ở đây quen rồi, ý kiến nhiều lần lên trên mà cũng có thay đổi được gì đâu. Giờ sợ nhất là chấn động lúc nổ mìn, vì nó gây nứt nhà dân, nhà tôi là một trong số đó” - chị Phượng nói.
Để minh chứng cho phản ánh của mình, chị Phượng dẫn chúng tôi về nhà để kiểm chứng. Một loạt các vết nứt chi chít từ bậc thềm ở hè cho đến những vết nứt dài cả chục mét ở trên tường. Tại nhà em gái của chị Phượng là chị Cao Thị Ý (31 tuổi, xây nhà năm 2016) cũng tương tự với những mảng tường mới trát lại sau những vết nứt to. Chúng tôi tiếp tục được nhiều hộ dân khác đưa về nhà để ghi nhận các vết nứt trong nhà của họ mong chính quyền các cấp biết và có hướng xử lý, khắc phục cho dân.
“Cả đời làm lụng, xây được căn nhà khang trang là một chặng đường đầy gian khó đối với người dân vùng núi nơi này. Nếu không có mỏ đá về làng, chắc chắn, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ khác, sẽ không còn cảnh bụi phủ đầy nhà, ăn cơm trong tiếng nổ mìn, và lo lắng từng ngày ngôi nhà bị sập” - chị Quách Thị Thắng nghẹn ngào nói.
Ông Quách Công Cường - Trưởng thôn Quý Long cho biết: Từ khi 3 mỏ đá về hoạt động tại đây, có ít nhất 20 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng, trong đó nghiêm trọng nhất là một số hộ dân bị nứt nhà. Ông Cường đề nghị, trong thời gian tới, UBND xã sắp xếp một buổi đối thoại giữa người dân với doanh nghiệp, để những kiến nghị xác đáng được giải quyết trong phạm vi cụ thể. “Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị về việc phải tưới đường thường xuyên, vì đường xe tải vào lấy đá rất nhiều, hoạt động tấp nập gây bụi bặm khiến người dân không thể chịu nổi. Thứ hai, các doanh nghiệp cần niêm yết thời gian nổ mìn tại các bảng thông báo để người dân được biết, được giám sát một cách cụ thể, không thể cứ nổ bừa bãi như thời gian qua được. Thứ ba, về việc người dân bị nứt nhà, các cấp chính quyền cần kiểm tra để đánh giá ảnh hưởng từ hoạt động nổ mìn tới người dân là bao nhiêu, từ đó có hướng khắc phục cho bà con chúng tôi” - ông Cường nêu quan điểm.
Ông Trương Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý cho biết: Hoạt động nổ mìn, sản xuất tại 3 mỏ đá trên gây bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống dân cư là đúng sự thật. “Về việc nổ mìn thì các doanh nghiệp họ báo cáo là buổi trưa họ nổ trong khoảng từ 11 - 11h30, về phản ánh nổ quá giờ trên, tôi sẽ cho kiểm tra lại. Đối với tình trạng người dân bị nứt nhà, dù chưa có khảo sát cụ thể nhưng về nguyên nhân, chắc chắn là có sự ảnh hưởng từ việc nổ mìn. Do mới về địa phương công tác nên nhiều cái tôi cũng chưa nắm được. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi đối thoại, để mọi vấn đề khúc mắc giữa người dân và doanh nghiệp được làm rõ, và từ đó tìm hướng giải quyết, khắc phục”- ông Phong nói.
(Còn nữa)