Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, sau khi thống nhất với các cơ quan liên quan, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/2 đến hết ngày 25/2.
Nguyên nhân do những ngày qua, xe chở hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là hoa quả tươi lên các cửa khẩu của tỉnh liên tục tăng, nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng ùn ứ.
Hiện tại, bốn cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, gồm: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp.
Hàng nghìn xe nông sản chờ xuất khẩu
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho thấy, tính đến hết ngày 12/2, năng lực thông quan xuất khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị là 74 xe/ngày, trong đó có 56 xe chở hoa quả. Tính đến 8 giờ ngày 13/2, tổng số phương tiện quay đầu về nội địa hoặc chuyển cửa khẩu là 8 xe, chủ yếu là xe chở mít quả. Trong đó, số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên là 3 xe hoa quả, nâng tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 960 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là hoa quả, chiếm 725 xe.
Tại cửa khẩu song phương Chi Ma, ngày 12/2 không có hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa do phía Trung Quốc nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật. Thời điểm 8 giờ ngày 13/2, số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 3 xe.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, thời điểm 8 giờ ngày 13/2, tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 852 xe, trong đó có 754 xe chở mặt hàng hoa quả.
Như vậy, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại ba khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến 8 giờ ngày 13/2 là 1.815 xe. Năng lực thông quan xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh cũng chỉ đạt 41 xe/ngày. Từ sáng 12/2 đến sáng 13/2 đã có 13 xe hoa quả quay đầu về nội địa. Trong khi đó, số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên là 96 xe hoa quả.
Trước tình hình đó, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố có mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, thương nhân về việc tạm thời dừng đưa mặt hàng hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch; xem xét, hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải, xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường thủy, đường sắt nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Vải là một trong số ít trái cây chuyển hướng thành công trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường chất lượng cao.
Theo ghi nhận tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, hiện vẫn còn tình trạng xe chở hoa quả mới từ nội địa lên với hy vọng được thông quan sớm. Tuy nhiên, với năng lực thông quan như hiện nay, dự báo tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa tại cửa khẩu sẽ tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra tại thời điểm này là các địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, điều tiết xe theo thông báo của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tránh tình trạng tự phát đưa xe hàng lên gây ùn tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng hóa và doanh thu.
Cần sự phối hợp từ các địa phương
Là một trong những địa phương có nhiều xe hoa quả lên cửa khẩu Lạng Sơn xuất sang Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đang gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Huỳnh Cảnh cho biết: Thanh long trên địa bàn hiện đang rớt giá rất sâu, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Mặc dù biết tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu nhưng nhiều phương tiện vẫn chuyển hàng lên vì hiện cũng chưa có hướng tiêu thụ khác hiệu quả hơn. Cụ thể như thị trường nội địa, dù mở rộng ra cả nước thì số lượng cũng không nhiều; các thị trường khác như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... cũng chiếm lượng nhỏ, chủ yếu xuất đi từ các công ty lớn. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển nhưng cước vận chuyển đường biển sang Trung Quốc hiện rất cao, khoảng 5.000 USD/container, so với trước đây chỉ 800 USD/container. Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng không đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi phương thức này. Ông Huỳnh Cảnh cũng cho biết thêm, hiện tỉnh cũng chưa tìm ra giải pháp nào tối ưu nhất để tiêu thụ thanh long cho bà con khi việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn vì thị trường này tiêu thụ tới 80% sản lượng thanh long hằng năm của tỉnh.
Trong khi đó, vấn đề chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng đang gặp không ít khó khăn. Theo Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh, thì một phần là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của phía hải quan Trung Quốc, mặt khác nhiều doanh nghiệp cũng còn tâm lý ngại chuyển đổi khi đang có sẵn mối xuất hàng tiểu ngạch. Thậm chí, cũng có tình trạng đối tác phía Trung Quốc chủ động chọn hình thức nhập hàng này để duy trì mức giá rẻ, nên nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động, quyết liệt tìm cách chuyển đổi hình thức xuất khẩu thì sẽ còn gặp khó khi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Thời điểm này, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu nên Bộ sẽ tiếp tục hội đàm với cơ quan chức năng của Trung Quốc để thống nhất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và các cửa khẩu của các địa phương khác. Tuy nhiên, đó là những giải pháp thường xuyên và dài hạn, còn trước mắt, các địa phương cần chủ động lên phương án tiêu thụ nông sản, nhất là hoa quả tươi tại thị trường trong nước và nỗ lực tìm các thị trường mới. Trong đó, cần thiết phải tính đến việc rà soát chi tiết quy hoạch từng loại trái cây cho phù hợp với nhu cầu thị trường; tính toán các phương án rải vụ để tránh thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn, gây áp lực tiêu thụ, dẫn đến tình trạng hàng tồn, giá rẻ.