Soi sức khỏe doanh nghiệp trước 'đường đua' phục hồi
Nhiều dự báo cho thấy, quý IV/2023 sẽ là thời điểm kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi. Nhưng liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ 'sức khỏe' để bước vào đường đua khi mà số 'chết lâm sàng' vẫn chiếm tỷ lệ cao, với gần 15.600 doanh nghiệp mỗi tháng.
Intech Group sản xuất 30.000 con lăn công nghiệp cung ứng ra thị trường mỗi tháng. Đơn hàng trong quý I năm nay có dấu hiệu chững lại, nhưng từ quý II đã bắt đầu khởi sắc, tăng trưởng trở lại. Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp cho biết, hiện tại có hàng trăm đối tác của Nhật Bản, cùng các doanh nghiệp (DN) đến từ Hàn Quốc, châu Âu... tìm đến đặt hàng sau thời kỳ suy thoái kinh tế.
Dự báo quý IV sức mua sẽ phục hồi
Song, theo lãnh đạo Intech Group, điều quan trọng nhất là DN phải có nguồn lực về tài chính để đầu tư máy móc, trang thiết bị đạt công nghệ hiện đại để đáp ứng các yêu cầu mới từ khách hàng.
Sự phục hồi của sản xuất được thể hiện rõ qua báo cáo của Tổng cục Thống kê trong tháng 8/2023 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều dự báo cũng cho thấy quý IV sẽ là giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của kinh tế. Mới đây, báo cáo của VinaCapital nhìn nhận, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã chạm đáy. Động lực hồi phục còn đến từ sự gia tăng làn sóng chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm sau, trở lại mức tăng trưởng 8-9% đối với ngành sản xuất”.
Hay, một dự báo được Chứng khoán Rồng Việt đưa ra là quý IV được kỳ vọng là quý tăng trưởng tốt nhất trong năm nay. Trong kịch bản cơ sở, nhóm phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023 đạt 5,6%, cao hơn mức tăng trưởng của nửa đầu năm.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng, quý III sẽ tạo ra đáy của lĩnh vực thương mại và từ đó đi lên. Điều này phù hợp yếu tố mùa vụ, bất kể xuất khẩu hàng hóa khó khăn cỡ nào thì trước mùa Đông là mùa tiêu thụ các nhà sản xuất và bán lẻ cũng phải tăng lượng tồn kho. Đây là cơ hội để các mặt hàng xuất khẩu đang giảm sâu sẽ tăng trưởng trở lại, hỗ trợ cho xuất khẩu của Việt Nam.
“Sự tích cực từ kinh tế thế giới sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, khi một động lực quan trọng của Việt Nam trong năm nay là xuất khẩu phụ thuộc rất lớn từ nước ngoài”, TS. Tuấn nói.
Vẫn còn nhiều DN... ‘chết lâm sàng’
Tuy vậy, nhìn vào bức tranh DN trong 8 tháng đầu năm nay vẫn thấy những mảng màu xám. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng số DN tạm ngừng hoạt động, chờ phá sản và hoàn tất thủ tục phá sản lên đến hơn 124.700 DN. Như vậy, bình quân một tháng có gần 15.600 DN rút lui khỏi thị trường.
Nói với VnBusiness, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho biết DN đã thành lập đến nay được 16 năm nhưng chưa giai đoạn nào thấy khó khăn như hiện nay, công ty không có đơn hàng mới, nếu sắp tới tình hình vẫn như vậy thì có lẽ phải đóng cửa nhà máy.
“Sản xuất 1 kg gang bình thường DN lời 5.000 – 6.000 đồng, giờ chúng tôi chấp nhận lời 1.000 đồng để có tiền trả lương cho công nhân nhưng cũng không có đơn hàng”, ông Tứ cho hay, tình hình rất khó khăn, hy vọng tới cuối năm kinh tế sẽ khởi sắc hơn.
Theo đại diện Công ty Kim Vĩnh Thắng, đến nay DN vẫn chưa thụ hưởng được bất kỳ một chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước, vẫn đang phải cố gắng tự thân vận động để duy trì hoạt động.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), kinh tế khó khăn, DN khó khăn từ đó thu nhập của người dân cũng khó khăn nên các chỉ tiêu đều sụt giảm. Cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh nên các DN từ sản xuất đến dịch vụ phải gồng mình cầm cự. Nhiều công ty phải thu hẹp quy mô sản xuất, giãn bớt người, nhiều cửa hàng đóng cửa – một tình trạng xưa nay hiếm gặp là nhiều cửa hàng mặt phố ở các quận trung tâm của thành phố lớn phải đóng cửa, nhiều tòa nhà văn phòng có diện tích bỏ trống.
“Tổng thể trong giai đoạn hiện nay cần việc nới lỏng chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng, đồng thời cố gắng cắt giảm các khoản phí, thuế cho DN và người dân để tạo tâm lý cho thị trường. Qua thời gian khủng hoảng, Quốc hội và Chính phủ có thể điều chỉnh cân đối lại”, ông Hiệp kiến nghị.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau 2 – 3 năm COVID-19, DN Việt Nam kiệt quệ. Vậy, DN lấy nguồn lực đâu để tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi của kinh tế thế giới sắp tới.
Chưa kể, ông Thiên dẫn chứng, tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường vẫn tăng vài chục phần trăm, còn số DN thành lập mới tăng song tốc độ lại giảm. DN rút lui khỏi thị trường là thật, chết thật nhưng tỷ lệ gia nhập thì chưa chắc là thật – tức là họ chưa tạo ra GDP, tăng trưởng, thậm chí có thể nguy cơ có DN ảo.
Chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta bàn tăng trưởng bao nhiêu phần trăm và nêu khó khăn, thách thức, nhưng phải nhìn vào thực tế, khó khăn của DN để có giải pháp.
"Đây là cơ hội để Việt Nam nhận diện lại tất cả các cấu trúc của nền kinh tế, lúc khó khăn đặc biệt như hiện nay rất cần phải có giải pháp khác thường. Nếu chúng ta chỉ cơi nới chính sách mà không có chính sách đột phá thì sẽ không giải quyết được vấn đề”, ông Thiên nói.
Ông Đậu Anh Tuấn
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Điều chúng ta cần quan tâm lúc này là vấn đề sức khỏe của nền kinh tế, của DN Việt Nam như thế nào. DN gặp khó về thị trường đã đành nhưng khó khăn về chính sách mới là vấn đề lớn. Có DN phản ánh mỗi tháng xuất khẩu 420 tỷ đồng nhưng mấy tháng qua đình lại không xuất khẩu vì không được hoàn thuế. Nguồn vốn của DN đã khó nhưng lại bị đọng.
Ông Bùi Trinh
Chuyên gia Kinh tế
Nếu vấn đề của DN bất động sản vẫn là thanh khoản, thì với các DN chế biến, chế tạo là thị trường. Nhu cầu tiêu dùng thế giới đang chậm lại do lạm phát của nền kinh tế ở mức cao. Năng suất thấp, trong khi nhiều DN phải đối mặt với bài toán chi phí tăng cao như giá điện, logistics, xăng dầu biến động... Đây là bài toán đau đầu của mỗi DN trong việc duy trì hoạt động.
TS. Nguyễn Chỉ Sáng
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam
Ngành cơ khí đang đối mặt với việc giảm sút về đơn hàng cả đơn hàng trong nước lẫn đơn hàng từ nước ngoài. Với ảnh hưởng của đại dịch, số lượng các công trình công nghiệp được khởi công giảm làm đơn hàng trong nước đã ít lại càng ít hơn, thêm vào đó ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine làm cho đơn hàng từ nước ngoài giảm sút. Các DN nói chung và doanh nghiệp của ngành cơ khí nói riêng đang phải tìm mọi biện pháp để giữ cho DN tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế, chính sách phù hợp cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ, ngành, thì để tồn tại cũng là vấn đề khó khăn cho DN chứ chưa nói đến phát triển.