Một mẫu tiêu bản rùa da hay rùa luýt (Dermochelys coriacea) được trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học ở thành phố Nha Trang. Đây là loài rùa biển lớn nhất và là loài lớn thứ tư trong lớp Bò sát, chỉ sau ba loài cá sấu.
Những cá thể dùa da trưởng thành dài 1 đến 2 mét, nặng khoảng 250 đến 700 kg. Con rùa da to nhất được ghi nhận dài 3 mét, nặng 916 kg, sống ở vùng biển phía Tây xứ Wales.
So với các loài rùa biển khác, rùa da có đặc điểm dễ nhận thấy nhất là chúng không có mai. Thay cho mai, lưng của chúng được bao phủ bởi lớp da dày điểm những đốm nhỏ bằng chất da xương. Chạy dọc lưng là 7 đường gờ nổi.
Chân chèo của rùa da có tỉ lệ so với cơ thể lớn nhất trong số các loài rùa biển. Đôi chân chèo đằng trước của chúng khi sải ra có thể dài tới 2,7 mét, dài nhất trong số các loài rùa biển.
Các cá thể rùa da trưởng thành gần như chỉ ăn sứa. Loài rùa này không có răng nhưng có các rìa cắt sắc nhọn ở môi trên, giúp chúng cắt lìa con mồi chỉ với một cú đớp. Trong vòm miệng chúng có tua tủa gai mọc hướng vào trong họng, hỗ trợ việc giữ và nuốt thức ăn.
Rùa da là loài bò sát hiếm hoi có khả năng duy trì thân nhiệt cao bằng cách sử dụng nhiệt sinh ra do trao đổi chất. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy quá trình trao đổi chất của chúng cao hơn các loài bò sát cùng kích thước khoảng ba lần.
Loài rùa này được ghi nhận là một trong những loài động vật lặn sâu nhất thế giới, với độ sâu kỷ lục được ghi nhận là hơn 1.200 mét. Chúng cũng là loài bò sát bơi nhanh nhất, với tốc độ đạt đến 35 km/h.
Rùa da sống khắp các đại dương trên thế giới, được chia thành ba quần thể chính, cách ly sinh sản với nhau, gồm quần thể Đại Tây Dương, quần thể Đông và Tây Thái Bình Dương. Chúng sống từ vùng biển nhiệt đới cho đến vòng Bắc cực.
Do sống ở các vùng khí hậu khác nhau nên mùa sinh sản của của da ở các nơi cũng khác nhau. Khoảng 30.000 con rùa da đến đẻ trứng vào tháng 4 ở Công viên quốc gia Mayumba, Gabon, biến nơi đây trở thành điểm đẻ trứng lớn nhất thế giới của chúng.
Trong Sách Đỏ UICN, rùa da được xếp vào diện loài Nguy cấp. Hiểm họa lớn nhất cho chúng là mắc vào lưới đánh cá và tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải hoặc hoạt động vận tải biển. Chúng có thể chết ngạt khi ăn túi nylon trôi dạt do nhầm với sứa.
Trước năm 1975, nguồn lợi rùa da ở Việt Nam tương đối dồi dào. Loài rùa này từng được ghi nhận ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, khu vực từ Thanh Hóa tới Bình Thuận và quần đảo Trường Sa. Đến nay, số lượng rùa da ở vùng biển Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng.
Từ năm 2000, rùa da đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Trong tài liệu này, loài rùa biển lớn nhất thế giới được xếp vào diện Cực kỳ nguy cấp.
Mời quý độc giả xem video: Thanh âm vĩnh cửu của thiên nhiên | VTV3.
Quốc Lê