SoftBank thua lỗ 32 tỷ USD tại Vision Fund
SoftBank hứng chịu khoản lỗ kỷ lục tại Vision Fund bởi đợt tăng giá gần đây của cổ phiếu công nghệ không cứu vãn được một năm đầy khó khăn của các công ty mà quỹ này rót tiền vào.
Cổ phiếu phục hồi không thể cứu lỗ
Vision Fund (Quỹ Tầm nhìn) của tập đoàn Nhật Bản SoftBank vừa công bố khoản lỗ 4,3 nghìn tỷ yên (tương đương 32 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, tăng 1,7 lần so với mức lỗ 2,55 nghìn tỷ yên trong cùng kỳ năm trước.
Tính gộp lại, khoản lỗ đầu tư của SoftBank tại Vision Fund đã lên tới 5,28 nghìn tỷ yên, tăng 1,85 nghìn tỷ yên so với một năm trước.
Dù phục hồi trong vài tháng qua, giá cổ phiếu công nghệ nhìn chung vẫn thấp hơn so với một năm trước. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 đã giảm khoảng 11% trong năm tài chính của SoftBank.
Tính chung lại, SoftBank lỗ ròng 970,14 tỷ yên trong năm tài chính vừa qua, thấp hơn so với con số 1,7 nghìn tỷ yên trong cùng kỳ năm trước.
Mặc dù có được lợi nhuận từ đầu tư vào các công ty công nghệ có tiếng như Uber (Mỹ), tập đoàn Nhật Bản cho biết họ đã ghi nhận khoản lỗ ở các công ty khác do giá cổ phiếu sụt giảm, đơn cử công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime (Trung Quốc) và công ty thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe GoTo (Indonesia).
Trong năm qua, SoftBank đã rút bớt một số khoản đầu tư quan trọng nhất để huy động tiền mặt.
SoftBank cũng đã thu hẹp khoản lỗ thông qua bán cổ phần tại T-Mobile và Alibaba. Tập đoàn Nhật Bản sẽ tiếp tục bán bớt một số cổ phần tại Alibaba thông qua công cụ phái sinh được gọi là hợp đồng kỳ hạn, sau khi giám đốc điều hành SoftBank, ông Masayoshi Son, đã kiếm bộn tiền nhờ khoản đầu tư sớm vào Alibaba hơn hai thập kỷ trước.
Năm ngoái, SoftBank đã bán số cổ phần còn lại của mình tại "ông lớn" dịch vụ gọi xe Uber.
Theo ông Yoshimitsu Goto, giám đốc tài chính SoftBank, các công ty mà tập đoàn này đầu tư đều có vốn hóa tốt. Ông Yoshimitsu Goto cho biết thêm, đã có một số công ty sẵn sàng niêm yết và được định giá tổng cộng 37 tỷ USD, nhưng vị này không nêu tên các công ty này.
Vision Fund chuyên đi săn các cổ phiếu tăng trưởng cao, trong đó có nhóm cổ phiếu công nghệ. Do đó, một khi "những cơn gió ngược" nổi lên sau các đợt tăng lãi suất trên toàn cầu, thì áp lực bán tháo các cổ phiếu rủi ro cao là điều khó tránh.
Là đồng minh chủ chốt của giám đốc điều hành SoftBank, ông Rajeev Misra, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư SB Investment Advisers (đơn vị giám sát hoạt động của Vision Fund), đã rút lui khỏi một số vị trí trong bối cảnh thua lỗ ngày càng lớn. Ông Rajeev Misra đóng vai trò quan trọng kể từ khi thành lập Vision Fund vào năm 2017.
Cân nhắc việc tiếp tục áp dụng chế độ "phòng thủ"
Khoảng một năm trước, giám đốc điều hành Masayoshi Son cho biết SoftBank sẽ chuyển sang chế độ "phòng thủ" giữa những cơn gió ngược và xem xét chặt chẽ hơn khi rót vốn đầu tư.
Chiến thuật đó dường như đã phát huy hiệu quả trong quý tài chính thứ tư của SoftBank (tức quý I/2023) nhờ sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ. Nhờ đó, Vision Fund của SoftBank đã thu hẹp khoản lỗ đầu tư trong kỳ về 236,8 tỷ yên, so với mức 730,3 tỷ yên trong quý trước đó.
Trong năm tài chính vừa qua, SoftBank đã rót 3,14 tỷ USD vào các khoản đầu tư mới và đầu tư bổ sung, chưa bằng 1/10 so với con số 44,26 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp báo ngày 11/5, giám đốc tài chính SoftBank, ông Yoshimitsu Goto, đánh giá, năm tài chính vừa qua là một năm "không ổn định" với những rủi ro địa chính trị và sự bất ổn của hệ thống tài chính mà lý do là sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ) và khủng hoảng tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ).
"Trong quý đầu tiên, chúng tôi có thể thấy một số dấu hiệu cải thiện, nhưng chúng tôi không hy vọng về một giải pháp căn cơ … cho những vấn đề đó", giám đốc tài chính SoftBank nói thêm.
Tuy nhiên, ông Goto cho biết mảng đầu tư vào công nghệ trí tuệ nhân tạo lại đang "tiến triển đáng kể" và SoftBank đang cân nhắc xem có nên duy trì chế độ "phòng thủ" hay không.
Tập trung cho thương vụ tỷ USD
Các nhà đầu tư đang trông chờ thông tin liên quan đến đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty chip bán dẫn Arm thuộc sở hữu của SoftBank, bởi thương vụ này được xem là giải pháp để củng cố bảng cân đối kế toán và cung cấp vốn để tập đoàn Nhật Bản thực hiện các khoản đầu tư mới.
SoftBank đã mua lại Arm vào năm 2016. Tháng trước, doanh nghiệp này đã âm thầm trình các cơ quan chức năng hồ sơ niêm yết công ty chip bán dẫn Arm tại thị trường Mỹ thay vì tại quê nhà Vương quốc Anh. Mục tiêu đặt ra là huy động từ 8 - 10 tỷ USD vào cuối năm nay, theo Reuters.
Không tiết lộ thông tin chi tiết về thương vụ IPO ở Mỹ, nhưng giám đốc tài chính SoftBank cho biết quá trình chuẩn bị cho thương vụ này đang "diễn ra suôn sẻ".
Trong năm tài chính vừa qua, Arm đạt doanh thu 381,7 tỷ yên, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế của công ty chip bán dẫn đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 48,6 tỷ yên.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/softbank-thua-lo-32-ty-usd-tai-vision-fund-d189577.html