Sóc Trăng xuống giống gần dứt điểm vụ lúa Hè - Thu năm 2023

Dựa trên dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nguồn nước của tỉnh Sóc Trăng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã ban hành kế hoạch xuống giống vụ lúa Hè - Thu năm 2023, bắt đầu từ đầu tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 6/2023. Tính đến thời điểm này, diện tích lúa xuống giống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh hơn 120.000/138.000ha. Dự kiến trong tuần, toàn tỉnh sẽ xuống giống dứt điểm diện tích lúa Hè - Thu còn lại.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong vụ lúa Hè - Thu, một số huyện như: Trần Đề, Long Phú có tiến độ xuống giống chậm hơn so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nguồn nước đầu cống ở các địa phương trên đến tháng 5 vẫn còn có nước mặn nên bà con không thể đưa nước vào ruộng, cùng với đó, nông dân chờ mưa đều mới xuống giống, làm chậm tiến độ xuống giống lúa Hè - Thu. Tuy nhiên, một số huyện Mỹ Tú, Châu Thành, thị xã Ngã Năm… dựa vào dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và dựa vào tình hình nguồn nước thuận lợi, đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuẩn bị làm đất, xuống giống nên việc xuống giống theo đúng tiến độ khuyến cáo lịch mùa vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh. Các địa phương đảm bảo đủ số lượng giống phục vụ mùa vụ và khuyến cáo hộ dân sử dụng các giống lúa cứng cây, nhằm hạn chế đổ ngã và tránh gieo sạ các giống lúa dễ nảy mầm trên bông, làm giảm năng suất, chất lượng lúa, ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân sau thu hoạch.

Sóc Trăng xuống giống gần dứt điểm vụ lúa Hè - Thu năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU

Sóc Trăng xuống giống gần dứt điểm vụ lúa Hè - Thu năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, vụ lúa Hè - Thu năm nay tỉnh xuống giống sớm, với mục đích nhằm để hạn chế ảnh hưởng mưa bão vào cuối vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa trên đồng của bà con nông dân. Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 dẫn đến lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn xuất hiện, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên khi xuống giống Hè - Thu sớm, tránh mặn. Bên cạnh đó, vụ Đông - Xuân là vụ chính, thường lúa sẽ cho năng suất, chất lượng tốt nhất, vì vậy ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai kế hoạch xuống giống lúa Hè - Thu sớm để kéo vụ Đông - Xuân đến sớm, nhằm đảm bảo sản xuất thuận lợi, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước cung cấp cho ruộng lúa của bà con nông dân trong quá trình canh tác.

Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân, ngay từ đầu vụ lúa áp dụng quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”; áp dụng biện pháp tưới ngập - khô xen kẽ để cây lúa cứng cáp, hạn chế đổ ngã vào cuối vụ; bón phân cho lúa cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm, tăng cường bón phân kali và bổ sung thêm một số loại phân bón lá, giúp cứng cây. Riêng với trà lúa Hè - Thu đã xuống giống, đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, khuyến cáo bà con nông dân bón phân thúc chồi và đón đòng, thường xuyên thăm đồng nhằm sớm phát hiện các bệnh thường gặp trên lúa giai đoạn này (bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá...) để kịp thời phòng, trị. Bà con nông dân cần quan tâm đến các đối tượng gây hại trên lúa trong giai đoạn mạ như: ốc bươu vàng, bù lạch, chuột, sâu đục thân, bệnh đốm vằn, vàng lá chín sớm trên trà lúa giai đoạn đòng trổ và bệnh lem lép hạt trên trà lúa chín.

Thông qua khuyến cáo của lãnh đạo ngành Nông nghiệp Sóc Trăng cho vụ lúa Hè - Thu năm 2023, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cần chú ý quan tâm thực hiện tốt, nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa canh tác, đem lại vụ mùa bội thu.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/soc-trang-xuong-giong-gan-dut-diem-vu-lua-he-thu-nam-2023-65775.html