Sóc Trăng triển khai chính sách bảo hiểm y tế xã an toàn khu - niềm phấn khởi cho người dân vùng cách mạng

Việc công nhận xã an toàn khu là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước thực hiện các chính sách nhằm tri ân, góp phần nâng cao mức sống cả về vật chất lẫn tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sinh sống ở các xã an toàn khu bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và từng địa phương.

Kỳ 1: Vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã an toàn khu

Được Chính phủ công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu là một niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở những vùng kháng chiến năm xưa. Đây là sự quan tâm đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ vùng căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Sóc Trăng - vùng đất anh hùng

Phát huy truyền thống của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, nhân dân Sóc Trăng đã làm nên những chiến thắng vẻ vang qua các chặng đường lịch sử. Quân dân Hòa Tú vùng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai là một điển hình cho phong trào yêu nước giai đoạn này. Tuy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị địch khủng bố đẫm máu, nhưng nhân dân Sóc Trăng vẫn giữ vững niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, cùng với cả nước làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược với sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhân dân Sóc Trăng đã cùng cả nước đánh thắng kẻ thù hung bạo, buộc thực dân Pháp phải rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng tọa lạc tại ấp Nguyễn Út, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là nơi lưu dấu trận đánh oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa - Hòa Đông. Ảnh: CHÍ BẢO

Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng tọa lạc tại ấp Nguyễn Út, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là nơi lưu dấu trận đánh oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa - Hòa Đông. Ảnh: CHÍ BẢO

Năm 1954, hòa bình lập lại chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ lại tiếp tục can thiệp và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Mặc dù kẻ thù lần này tàn bạo, nguy hiểm, vũ khí hiện đại gấp nhiều lần so với trước nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng và ý chí kiên cường, nhân dân Sóc Trăng một lần nữa cùng cả nước đứng lên quyết chiến đấu, không sợ hy sinh, gian khổ. Người trước ngã, người sau xông tới tiêu diệt quân thù, thực hiện lời Bác dạy “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, suốt 21 năm đã làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam và quê hương Sóc Trăng ngày 30/4/1975.

Qua 2 lần được công nhận, Sóc Trăng hiện có 42 xã, phường, thị trấn là xã an toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Người dân vui mừng, tự hào được công nhận xã an toàn khu

Được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận xã an toàn khu là một niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở các địa phương, từng là “cái nôi” của cách mạng. Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có 5 địa phương được công nhận xã an toàn khu gồm các xã: Vĩnh Tân, Hòa Đông, Vĩnh Hiệp và phường Khánh Hòa, phường Vĩnh Phước. Đây là sự quan tâm đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ vùng căn cứ cách mạng thị xã Vĩnh Châu qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong những năm tháng kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhân dân xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu luôn vững tay cày, chắc tay súng; bám đất, bám làng một lòng trung kiên theo Đảng để đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nhà bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng tọa lạc tại ấp Nguyễn Út là nơi lưu dấu trận đánh oanh liệt của quân và dân Khánh Hòa - Hòa Đông. Trận đánh Giầy Lăng diễn ra hơn 1 ngày. Bộ đội địa phương huyện, du kích xã Khánh Hòa phối hợp với Tiểu đoàn Phú Lợi chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương gần 300 tên địch, bắn hỏng một máy bay trực thăng. Về phía ta cũng tổn thất nặng, nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn Phú Lợi đã anh dũng hy sinh...

Cựu chiến binh Lê Hữu Nghĩa ở ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông vui mừng bộc bạch: “Hòa Đông là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, vùng đất một thời hứng chịu mưa bom, bão đạn vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nay được Đảng, Nhà nước công nhận là xã an toàn khu, tôi rất xúc động. Đây không chỉ là sự tri ân đối với người dân vùng căn cứ cách mạng mà còn là niềm tự hào, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục ra sức xây dựng quê hương Hòa Đông ngày càng đổi mới”.

Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng trên địa bàn xã Mỹ Phước là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Ảnh: CHÍ BẢO

Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng trên địa bàn xã Mỹ Phước là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Ảnh: CHÍ BẢO

Xã Mỹ Phước là 1 trong 4 xã của huyện Mỹ Tú được công nhận xã an toàn khu, là một trong những vùng căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh trong hai cuộc kháng chiến ác liệt. Vùng đất Mỹ Phước là “cái nôi” của phong trào cách mạng, rừng tràm Mỹ Phước là địa danh lịch sử và còn là cơ quan đầu não của Đảng, quân, dân Sóc Trăng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, quân và dân Mỹ Phước đã kiên cường đấu tranh, lập nên nhiều chiến công oanh liệt.

Đồng chí Võ Thanh Thủy - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước chia sẻ: “Xã anh hùng Mỹ Phước sản sinh nhiều đồng chí anh hùng, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, cán bộ về hưu tiếp tục đóng góp trí tuệ cho quê hương, động viên thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Xã được công nhận xã an toàn khu là niềm tự hào của quê hương, sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với người dân nơi vùng quê cách mạng”.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 897/QĐ-TTg, ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và công bố Quyết định số 270/QĐ/QĐ-TTg, ngày 24/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Sóc Trăng là xã an toàn khu, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, xã an toàn khu là chủ trương của Trung ương để ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc trong các xã, các khu cách mạng đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Do đó, cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng căn cứ nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách có liên quan đến xã an toàn khu đối với 42 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đã được công nhận. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng, phục dựng các di tích lịch sử tại các căn cứ an toàn khu, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Từ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, 42 xã này đã về đích xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân trên địa bàn ngày càng khởi sắc.

Theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, người dân đang thường trú tại các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Sóc Trăng đã và đang triển khai tốt Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đem lại niềm phấn khởi cho người dân nơi những vùng quê cách mạng khi xưa.

CHÍ BẢO - QUỲNH ANH

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/soc-trang-trien-khai-chinh-sach-bao-hiem-y-te-xa-an-toan-khu-niem-phan-khoi-cho-nguoi-dan-vung-cach-mang-73264.html