Sơ ý với máy móc, thương tật cả đời

Tây Nguyên đã bắt đầu bước vào mùa khô (tháng 11 năm này kéo dài đến tháng 4 năm sau), hàng triệu nông dân hối hả chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch cà phê và các loại lương thực, thực phẩm khác.

Các loại máy nông nghiệp hỗ trợ thu hoạch, sản xuất được mua về liên tục. Tuy nhiên, cũng vì sơ ý trong cách sử dụng các loại máy móc này, nhiều tai nạn xảy ra, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và cuộc sống.

Suýt mất cả cánh tay vì chủ quan

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, ở Kon Tum có trên 81 ca phải nhập viện cấp cứu, phẫu thuật vì bị thương ở tay, chân do bị máy nông nghiệp cắt, nghiền phải. Trong số các nạn nhân chủ yếu là người dân vùng sâu, vùng xa. Ở Lâm Đồng có 87 ca, Đắk Lắk có 93 ca. Nhờ sự tiến bộ của y học, nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa thành công. Vậy nhưng, có người bị nặng hoặc một phần cơ thể bị cuốn luôn vào máy nông cụ nên bị thương tật vĩnh viễn. Người dân cần hết sức cẩn trọng.

Ông Ka Minh ở huyện Đắk Hà (Kon Tum) đưa bàn tay chi chít sẹo lên hối tiếc kể lại: Không lâu trước, trong lúc vận hành máy vò bắp ngô, dây curoa bị trật ra, trong lúc máy vẫn đang nổ thì mình áp sát lại và lận dây curoa vào. Máy chạy mạnh quá, hút cả người vào, bàn tay phải bị cuốn vào bánh đà dập cổ tay và nát một ngón tay. Ngón tay thì mất còn cổ tay cứ nghĩ lấy thuốc lá đắp cầm máu rồi sẽ khỏi giống những lần bị thương thông thường nhưng 1 ngày sau thì sưng vù, người nóng sốt co giật. May lên bệnh viện tỉnh cấp cứu và phẫu thuật kịp chứ không thì mất luôn cả cánh tay rồi. Các bác sĩ dặn những trường hợp thế này phải đến viện ngay. Do bị nhiễn trùng nên dù được cứu nhưng bàn tay ông Ka Minh chỉ hồi phục được 50%. Tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk), ông Lê Minh Nhật cũng suýt bị hoại tử cả bàn tay vì bị bánh đà máy vò cà phê cuốn vào hồi đầu năm 2017 do lúc vận hành máy, ông Nhật mặc quần áo lòa xòa, đứng quá sát nên sơ ý bị cuốn vào.

Bà Đặng Thị Hà được BVĐK Lâm Đồng nối cổ tay đứt lìa nhưng 3 ngón tay đã bị máy xay nghiền nát.

Cũng giống ông Nhật, bà Ka Nhung (huyện Krông Păk, Đắk Lắk) được các bác sĩ tận tình cứu chữa đấu nối thành công các vết cắt do máy vò cà phê cuốn vào nhưng hai ngón chân thì mất đi vĩnh viễn. Bà Nhung cho biết: Do mình làm không đúng hướng dẫn, khoảng cách để đưa quả cà phê vào máy cũng không hợp lý. Cứ xúc cà phê chạy vào đổ, chạy quá đà ngã vào curoa nên bị nghiền cổ chân và ngón chân.

Cách đây mấy ngày, bà Đặng Thị Hà (sinh năm 1965, ở xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cũng bị thương trong lúc vận hành máy băm cỏ phục vụ cho công tác chăn nuôi của gia đình mình. Không dùng dụng cụ đảo cỏ, bà Hà đưa tay vào động cơ máy quá gần nên bị cuốn vào động cơ, máy nghiền nát 3 ngón tay và làm đứt lìa cổ tay trái. Các bác sĩ ở BVĐK Lâm Đồng đã nỗ lực nối liền cổ tay và băng bó, xử lí tạo mỏm cụt cho các ngón tay bị mất. Đến ngày 19/11/2017, cổ tay bà Hà đang hồi phục tốt. Bà Hà cho biết: Ở nông thôn, nhất là vào mùa khô này, nhà nào cũng nô nức xay cỏ vỗ béo gia súc, tăng cường thu hoạch và vò ngô, cà phê để chuẩn bị đón năm mới. Dùng máy nông nghiệp chỉ theo thói quen. Từ nay phải cẩn thận hơn.

Sơ cứu đúng cách để chấn thương bớt trầm trọng

BS. Phùng Văn Hà (BVĐK Lâm Đồng) cho biết: Các trường hợp bị tai nạn do vận hành máy nông nghiệp và các loại máy sản xuất cần phải sơ cứu nhanh và sớm, đồng thời đưa đến viện ngay. Người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Trường hợp bị đứt ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, nếu không phẫu thuật nối vi phẫu kịp thời thì sẽ bị hoại tử và để lại di chứng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. BVĐK Đắk Lắk cũng khuyến cáo người dân vừa sơ cứu nhanh vừa tức tốc đưa đến cơ sở y tế, nhất là trong mùa khô này. Đối với phần tay, chân bị máy nông nghiệp làm đứt lìa, cần vận chuyển nhẹ nhàng, có thể rửa bằng nước đun sôi để nguội. Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, cột miệng túi lại, sau đó đặt túi vào thùng đá lạnh hoặc có thể cho vào các túi đá lạnh, bảo đảm túi không bị thủng trong quá trình vận chuyển rồi đưa cùng nạn nhân đi viện càng sớm càng tốt. Với những người dân bị máy nông nghiệp cắt, cuốn mà bị đứt gần lìa thì rửa sạch phần chi đứt và băng chung với vết thương, sau đó có thể chườm túi đá lạnh lên phần bị đứt gần lìa trong quá trình vận chuyển người bị nạn đến bệnh viện.

Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, lao động trong ngành nông nghiệp là đối tượng mắc và có nguy cơ mắc tai nạn lao động cao, chỉ xếp sau ngành xây dựng và khai thác mỏ. Để bớt những thương tật trầm trọng, người nông dân cần nắm rõ cách vận hành máy móc, có các phương tiện che chắn thiết bị truyền động, có phương tiện bảo hộ cá nhân. Trạng thái tinh thần khi vận hành, sử dụng máy phải hoàn toàn tỉnh táo, nếu máy có trục trặc cần tắt hẳn máy rồi mới kiểm tra, sửa chữa.

Bài, ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/so-y-voi-may-moc-thuong-tat-ca-doi-n138780.html